Đà Nẵng: Thông tin mới vụ chặt hạ 3 hecta rừng phòng hộ ven biển để làm bờ kè
Số diện tích rừng bị chặt hạ sẽ được trồng thay thế sau khi dự án xây dựng bờ kè hoàn thành.
Bài liên quan
Nhếch nhác và nguy cơ mất an toàn từ các cơ sở thu mua phế liệu
Liên quan đến vụ chặt hạ rừng thông phòng hộ để thi công kè biển Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), vào chiều 31/5, Chi Cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa có Công văn số 348 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra xử lý thông tin báo chí phản ánh.
Theo nội dung Công văn, Chi Cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho rằng, vào mùa mưa bão hàng năm, khu vực từ Xuân Thiều đến Nam Ô thường bị sóng biển xâm thực, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Do đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đê, kè để bảo vệ bờ biển Liên Chiểu và để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân; bảo vệ công trình hạ tầng phía trong, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hạn chế thiên tai và tạo cảnh quan đô thị…
Theo Chi Cục Kiểm lâm Đà Nẵng, dự án tuyến đê, kè biển Liên Chiểu (từ Xuân Thiều đến Nam Ô) được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt vào tháng 10/2016 theo Quyết định số 7457/QĐ-UBND. Cụ thể, diện tích rừng phi lao (thông) ven biển nằm trong ranh giới thu hồi để thực hiện dự án là 2 hecta do UBND phường Hòa Hiệp Nam quản lý.
Qua kiểm tra hiện trường, Chi Cục Kiểm lâm nhận thấy trong quá trình chuẩn bị thi công, một số cây thông bị máy móc va quệt nên gãy đổ (UBND phường Hòa Hiệp Nam đã xác nhận); một số cây chết do sạt lở, một số cây thuộc diện giải phóng mặt bằng trong quá trình thi công.
Chi Cục Kiểm lâm khẳng định, toàn bộ số cây này đã được tính trong phương án thu hồi rừng của UBND quận Liên Chiểu. Phần diện tích rừng thông ven biển cần thu hồi để thực hiện dự án trên đã được kiểm đếm trong phương án đền bù, giải phóng mặt bằng của quận Liên Chiểu theo quy định của Luật Đất đai. Đã hoàn thiện mọi thủ tục…
Nhiều gốc thông có đường kính hơn 10 cm bị đốn hạ khi thi công bờ kè |
Trước đó, nhiều hộ dân sinh sống tại địa bàn phường Hòa Hiệp Nam tỏ ra lo ngại trước việc đơn vị thi công tuyến kè biển Liên Chiểu (thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) chặt hạ phần ngoài diện tích rừng phòng hộ nằm dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành. Trước đây, khu rừng rộng ra đến bờ biển Nam Ô tận 60 – 80 m và kéo dài cả km, nhưng nay đã bị chặt hạ và chỉ còn lại một phần (rộng còn 20 m trở vào).
Theo ghi nhận của phóng viên, có đến hơn 3 hecta rừng thông phòng hộ nằm dọc 2 km bờ biển, kéo dài từ khu vực gần resort The Nature đến bãi biển Nam Ô (Hòa Hiệp Nam) đã bị chặt hạ xong. Hiện các máy đóng cọc, máy ủi đang tiến hành việc đóng cọc bê tông, xây dựng tuyến bờ kè biển.
Một số khu vực, đơn vị thông công còn san ủi toàn bộ diện tích rừng thông tính từ bờ biển vào đến mặt đường Nguyễn Tất Thành để làm đường công vụ nhằm đưa xe tải, máy móc phục vụ việc thi công. Nhiều gốc thông có đường kính hơn 10 cm bị đốn hạ do chưa được thu dọn nằm vất vưởng cạnh các hố sâu vừa được máy đào múc lên để thi công kè. Tại các vị trí có hệ thống thoát nước nằm dưới đường Nguyễn Tất Thành dẫn ra biển cũng bị sạt lở sau các đợt mưa bão vào cuối năm 2018, hiện vẫn chưa được gia cố xử lý càng khiến người dân thêm bức xúc.
Ông Trần Viết Phương, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng từng xác nhận, việc phá một phần diện tích rừng thông để thi công kè biển thì phía Chi cục đã nắm thông tin. Theo ông Phương, UBND phường Hòa Hiệp Nam là đơn vị quản lý trực tiếp về diện tích rừng trên, còn phía Chi Cục chỉ quản lý về mặt nhà nước. Ông Phương cũng cho rằng, khu vực rừng phòng hộ nằm dọc đường biển Nguyễn Tất Thành có chức năng rất quan trọng là chắn gió bão, chống nguy cơ sạt lở bờ biển và xâm thực.
Trong sáng 31/5, ông Trần Viết Phương xác nhận: Đơn vị thi công và các đơn vị liên quan đã hoàn thiện mọi thủ tục liên quan đến dự án kè biển Liên Chiểu và phần diện tích rừng phòng hộ nằm trong khu vực thi công. Số diện tích rừng bị chặt hạ sẽ được trồng thay thế sau khi dự án hoàn thành.
Dự án xây dựng tuyến kè biển Liên Chiểu có tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Tổng chiều dài của tuyến kè biển là hơn 2 km, kéo dàu từ bãi biển Nam Ô đến khu du lịch Xuân Thiều. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào khoảng cuối tháng 10/2019.