Đà Nẵng thiết lập 21 khu vực hành lang bảo vệ bờ biển
Tình trạng sạt lở tại nhiều đoạn kéo dài dọc tuyến bờ biển nối quận Ngũ Hành Sơn đến Sơn Trà |
Tuyến bờ biển du lịch nối giữa quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà bị nước biển xâm thực, sạt lở gây khó khăn cho các hộ kinh doanh và đe dọa trực tiếp đến nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển.
Sạt lở nặng nề hơn mọi năm
Mấy năm gần đây, cứ đến mùa mưa, bão dọc bờ biển Đà Nẵng lại bị sạt lở nặng. Tuy nhiên, chưa năm nào tình trạng xâm thực lại xuất hiện nhiều điểm, kéo dài dọc tuyến đường từ quận Ngũ Hành Sơn đến Sơn Trà như năm nay.
Ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại bờ biển Đà Nẵng, các khu vực thuộc bãi biển Mỹ Khê, Mân Thái, phía sau các nhà hàng ven biển... bờ biển bị sóng khoét thành bậc sâu gần 1,5m. Nhiều đoạn, nước biển ăn sâu đánh sập cả bờ kè, lòi gốc cây dừa dọc bờ cát, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ kinh doanh ven biển và đe dọa trực tiếp đến một số khu nghỉ dưỡng.
Nhiều đoạn bị sóng khoét, tạo thành bờ vực sâu, đánh sập cả bờ kè, trơ phần móng |
Sống tại khu vực làng chài đã mấy chục năm, ông T.V.M (50 tuổi) trú tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, cho biết, ông chứng kiến rất nhiều cơn bão gây sạt lở ven biển thành phố. Chưa năm nào tình trạng xâm thực làm sạt lở ven biển kéo dài nhiều điểm như năm nay.
Chị N.T.T (35 tuổi), chủ hộ kinh doanh ở bãi tắm Mỹ Khê, quận Sơn Trà cho hay: “Từ năm 2016 đã diễn ra tình trạng sạt lở. Những năm gần đây là lần đầu tiên nước biển xâm thực sâu vào đất liền như vậy, có đôi khi sóng biển làm trôi quầy phục vụ, tài sản trong mùa mưa bão”.
Giải thích nguyên nhân về tình trạng sạt lở này, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, sạt lở đã xuất hiện trong các năm trước đây. Xói lở bờ biển thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh và nước dâng trong bão. Đến mùa khô (mùa hoạt động của gió mùa Tây Nam) thì bãi cát được bồi trở lại, đến khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm thì bãi biển đạt chiều rộng lớn nhất.
Tình trạng bãi biển Đà Nẵng bị xâm thực xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa có năm nào lại xuất hiện nhiều điểm như năm nay |
Cũng theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, mức độ tác động của xói lở bờ biển khu vực Miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, có xu hướng tăng lên và phức tạp hơn, vì vậy cần phải có những giải pháp để khắc phục.
Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan làm sạt lở bờ biển, UBND TP Đà Nẵng vừa quyết định phê duyệt và công bố danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ có tổng chiều dài bờ biển (được xác định trên đường mực nước thủy triều, cao trung bình nhiều năm) là 73,9km, gồm 21 khu vực (63 đoạn bờ), trên địa bàn 13 phường, thuộc 4 quận ven biển.
Gạch lót vỉa hè tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp bị sóng đánh toác |
Cụ thể, quận Liên Chiểu có 6 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài 20,338km; Quận Thanh Khê có 3 khu vực với tổng chiều dài 3,584 km; Quận Sơn Trà có 8 khu vực với tổng chiều dài 38,884km; Quận Ngũ Hành Sơn có 4 khu vực với tổng chiều dài 11,048km.
Trước đó, vào năm 2017, TP Đà Nẵng đã tiến hành cho xây dựng bờ kè chắn sóng, kéo dài tại bãi biển Mỹ Khê, đoạn đường Võ Nguyên Giáp đến đoạn đường Hoàng Sa. Bờ kè chắn sóng được xây dựng có kết cấu tường chắn bằng bê tông cốt thép, cao trung bình 2,5m và bố trí rọ đá chống xói mòn trước chân kè.
Ngoài ra, công trình còn xây dựng một lối lên xuống có bề rộng 7,5m và xây dựng vỉa hè lát gạch nhưng hiện nay có những đoạn, nước biển ăn sâu đánh sập cả bờ kè.
Việc xác định 21 khu vực hành lang bảo vệ bờ biển là cơ sở cho việc quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trong phạm vi hành lang bờ biển được thiết lập đối với những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; Giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh du lịch và người dân sống trong khu vực này.