Đà Nẵng muốn chi hơn 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân Chi Lăng
Bên trong sân vận động Chi Lăng
Bài liên quan
Chuyện nhân sự ngành môi trường TP Đà Nẵng: Người lao động lo lắng cuộc sống bị ảnh hưởng
Biểu dương lực lượng ngăn chặn vận chuyển trái phép ngà voi, vảy tê tê tại Đà Nẵng
Đình chỉ lưu hành, thu hồi muối sinh lý đa năng của Công ty TNHH Vinamask
Đề nghị điều tra vụ PV Báo điện tử VTC News bị hành hung ở Đà Nẵng
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ký Công văn số 9227/UBND-STP gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo và xin ý kiến xử lý vụ sân Chi Lăng.
Theo UBND TP Đà Nẵng, chủ trương trước đây của Đà Nẵng là di dời sân Chi Lăng ra khỏi thành phố để dành quỹ đất có giá trị thương mại cao tại khu vực này phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ mục đích công cộng cho người dân thành phố; đồng thời, giảm gánh nặng về hạ tầng, giảm ách tắc giao thông tại khu vực này trong trường hợp người dân đến sân để cổ vũ các trận thi đấu bóng đá.
Vì thế thành phố đã tiến hành thu hồi đất để đầu tư xây dựng sân vận động Hòa Xuân để thay thế sân Chi Lăng. Tuy nhiên, sân Chi Lăng không chỉ đơn thuần là địa điểm phục vụ các hoạt động thể thao mà còn là một công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của người dân TP Đà Nẵng.
Chính vì vậy, nhân dân, cử tri TP Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền TP bằng mọi cách giữ lại khu đất này để sử dụng vào mục đích công cộng của thành phố.
TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép chính quyền Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, TP Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất TP Đà Nẵng thực tế thu nộp ngân sách khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng.
Người dân và chính quyền Đà Nẵng muốn giữ lại sân Chi Lăng để sử dụng vào mục đích công cộng |
“Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đều là ngân hàng 100% vốn của Nhà nước. Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND TP. Đà Nẵng để cho phép TP. Đà Nẵng thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ và phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng có hướng dẫn kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện nội dung tại phần 1 của kiến nghị, đề xuất trên. UBND TP. Đà Nẵng kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tháo gỡ vướng mắc để TP. Đà Nẵng xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu vục sân vận động Chi Lăng nhằm bảo đảm quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân TP. Đà Nẵng”, công văn nêu rõ.
Trước đó, vào năm 2010, Đà Nẵng đã bán sân Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh thu về gần 1.251 tỷ đồng. Ngay khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tập đoàn Thiên Thanh đã thế chấp ở ngân hàng với số tiền lớn hơn nhiều lần so với số tiền mua đất.
Khi chuyển giao dự án khu phức hợp tại sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh, TP. Đà Nẵng phải giải tỏa hàng trăm hộ dân, số tiền đền bù lên đến hơn 200 tỷ đồng. Đà Nẵng cũng phải đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng một khu liên hợp thể thao mới để thay thế cho sân vận động Chi Lăng.
Ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam. Dự án sân vận động Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm nên bị phong tỏa tài sản.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm quyền quản lý sân vận động Chi Lăng. Từ năm 2015, chính quyền TP. Đà Nẵng đã từng thương thảo với Ngân hàng Nhà nước để lấy lại quyền sử dụng đất sân Chi Lăng nhưng chưa thành công.