Đà Nẵng: Chuyến biển cuối năm, những gánh cá nặng trĩu về làng chài
Đà Nẵng: Lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tăng khoảng 30% Đà Nẵng: Khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ trẻ Làng hoa lớn nhất Đà Nẵng nhộn nhịp mua bán, phục vụ Tết Nguyên đán |
Từ tờ mờ sáng, ngư dân liên tiếp chuyển hải sản lên bờ (Ảnh Đ.Minh) |
Nằm cạnh chân núi Sơn Trà (Đà Nẵng), Mân Thái vẫn giữ nguyên được nét đơn sơ của làng chài cổ, giữ cho mình được sự nhộn nhịp trong cuộc sống mưu sinh của các ngư dân gắn liền với chiếc thuyền thúng, vài tấm lưới mỗi ngày.
Hơi thở của biển
Từ sáng sớm, làng chài đã nhộn nhịp, người dân ở đây dậy sớm, những người đàn ông hò nhau tu sửa lại chiếc thuyền, còn phụ nữ tất bật lo giặt và vá lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
5 giờ sáng, phía ngoài xa nước xô sóng bạc, những chiếc tàu từ ngoài khơi xa chở đầy ắp cá tôm trở về đất liền, gần mép nước ngư dân bắt đầu kéo lưới trong ánh sáng bình minh. Ngư dân xem đại dương là ngôi nhà thứ hai của mình. Với họ biển là làng mà làng cũng là biển, cuộc đời gắn liền với biển, ngay cả lúc về nhà họ vẫn nghe tiếng sóng biển rì rào bên tai.
Ngư dân Nguyễn Thị Định chia sẻ: “Tôi đi biển từ năm 12 tuổi, tới giờ hơn 60 tuổi vẫn còn đi đánh bắt xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa. Cha ông đều mưu sinh trên biển rồi truyền lại cho con cháu, nên lúc nào tôi cũng thèm được theo nghề lắm. Những người có tuổi trong làng thì đánh bắt gần bờ, còn những người còn sức khỏe vẫn muốn đi xa”.
Gánh hải sản từ trên tàu về bờ đầy ắp tôm, cá, cua (Ảnh Đ.Minh) |
Ký ức về những ngày lên đênh trên biển cứ đau đáu trong tâm trí của những ngư dân từng bám biển. Những người đã da mồi tóc trắng, vả cả những người tóc mới pha sương cũng đều nói rằng, đối với họ những công việc này có thể “làm đi làm lại, mãi mà không chán”. Bởi vì, nó không chỉ là ký ức, mà đã ngấm da thịt, chảy trong từng mạch máu, chạm đến là thấy nhớ rưng rức.
Năm nào cũng vậy, vào những ngày cuối năm âm lịch, ngư dân lại hối hả cho tàu, thuyền vươn khơi xa, nhất là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản với mong muốn sẽ thu được nhiều “lộc biển”, tùy thuộc vào thời tiết mà chuyến biển cuối năm sẽ kéo dài từ 15 - 20 ngày.
Ngư dân Huỳnh Ngọc Tiến, chủ tàu cá QNg989xx (huyện Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi) phấn khởi, dịp cuối năm tuy sản lượng đánh bắt ít nhưng nhu cầu tiêu thụ ngày Tết tăng mạnh, anh cùng 7 bạn thuyền trong chuyến ra khơi này mỗi người vẫn có 9 triệu đồng về quê sắm Tết.
Những ngày cuối năm, ngư dân hối hả vươn khơi tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa (Ảnh Đ.Minh) |
Quyết tâm bám biển bảo vệ chủ quyền
Nhiều ngư dân cho biết, trong 5 tháng đánh bắt, ngư dân đi bạn có thể kiếm được 70 - 100 triệu đồng. Một công việc gắn với truyền thống gia đình, những chuyến đi biển trong ngày như thời vài chục năm trước, vì vậy, nhiều thanh niên vẫn lẳng lặng gắn bó với con thuyền, mặc kệ sau lưng là phố xá tấp nập.
Nghề biển có những nốt trầm, dưới tác động của con người khiến môi trường biển có nhiều thay đổi, do sự thay đổi về phương tiện đánh bắt, thay thế thuyền chèo truyền thống là thuyền máy với công suất lớn hơn. Cũng vào thời điểm này, ngư trường bị phá hoại bởi một số thuyền ngoại tỉnh đến đánh bắt bằng nhiều hình thức tận diệt…
“Vì thế mà nguồn hải sản có lúc trở nên khan hiếm. Trong giai đoạn đó, tôi và nhiều bạn chài khác vẫn bám biển. Ngư trường lúc thắng, lúc thua, chúng tôi tin rằng biển đã nuôi sống cha ông chúng tôi bao đời và thế chúng tôi lại kiên trì bám trụ với nghề”, ngư dân Huỳnh Ngọc Tiến bộc bạch.
Mỗi con tàu là cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo (Ảnh Đ.Minh) |
Ngư dân ở đây rất trân quý biển, để giữ gìn lộc biển các ngư dân đều đánh bắt bằng lưới, không dùng các phương pháp đánh bắt tận diệt. Lối đánh bắt thủ công này dù may rủi nhưng đây là cách để họ giữ nguồn tài nguyên biển cho muôn đời sau.
Làng chài Đà Nẵng chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ làng biển trên dải đất hình chữ S, nhưng đó không chỉ là làng biển, ở đó chứa đựng đời sống tinh thần, tâm linh. Nơi mà mỗi mùa cá cơm than, hàng trăm hộ dân lại tất bật ra khơi, với nghề làm mắm cho hương vị mặn mòi của biển nổi tiếng khắp năm châu.
Để đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi, chính quyền địa phương khuyến khích ngư dân lập các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc từ xa tích hợp định vị vệ tinh cho tàu xa bờ. Phần lớn các tàu cá đánh bắt đều có giấy phép, khai thác đúng nghề theo quy định, chủ yếu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Đá lạnh được chuẩn bị cho những chuyến khơi xa (Ảnh Đ.Minh) |
Khép lại một năm biến động do thời tiết và dịch bệnh, ngư dân miền Trung trở về sum họp với gia đình và đón Tết cổ truyền dân tộc, không ngừng hy vọng về những khoang cá tôm đầy ắp, một năm mới thời tiết thuận hòa cho những chuyến vươn khơi bám biển bội thu…
Không khí Xuân đã về, ngư dân miền Trung vẫn hối hả, tất bật với công việc của mình để có tiền mua sắm Tết, chuẩn bị ngư lưới cụ, ít bánh kẹo, hoa quả… vươn khơi “xuyên Tết” khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.