Đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm
Ngành nông nghiệp Thủ đô đang có xu hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm
Bài liên quan
10 năm xây dựng nông thôn mới Thủ đô: Diện mạo khởi sắc, tư duy thay đổi
Không chủ quan, thỏa mãn, tiếp tục xây dựng nông thôn mới
Thúc đẩy liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao
Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác xây dựng nông thôn mới
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong tuần vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại 522 hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố; làm mắc bệnh và tiêu hủy 4.631 con lợn với trọng lượng 257.969kg. Một số địa phương phát sinh nhiều lợn mắc bệnh, tiêu hủy trong tuần: Ba Vì tiêu hủy 2.705 con, Chương Mỹ 323 con, Phúc Thọ 268 con, Mỹ Đức 264 con, Ứng Hòa 245 con lợn...
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn Hà Nội, đến nay đã có 30.373 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh (chiếm 37,6% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.336 thôn, tổ dân phố của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Dịch bệnh làm mắc bệnh và tiêu hủy 518.022 con lợn (chiếm 27,6% tổng đàn) với trọng lượng 35.483 tấn.
Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy là 67.917 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 tháng xảy ra dịch bệnh, đã có 248 xã, phường (chiếm 55% số xã, phường xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi) đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh...
Trước tình trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, nhiều người dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Cụ thể, thay vì phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, thời điểm này, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố chuyển dần sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và gia súc ăn cỏ. Ông Hà Văn Cường, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho hay: “Để phục vụ nguồn cung thịt gà vào các tháng cuối năm, trang trại của gia đình tôi đã tăng tổng đàn lên hơn 10.000 con. Nếu chăn nuôi phát triển thuận lợi, trang trại của gia đình tôi sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt gà thả vườn vào dịp Tết năm nay”.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: “Trước "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của nhân dân, những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch tăng đàn chăn nuôi gia cầm, thủy cầm... Một số doanh nghiệp đã có phương án tăng cường thu mua, giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt lợn an toàn, để dự trữ, cung ứng cho thị trường thời gian tới”.
Trong tháng giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu tăng tối thiểu khoảng 3% so với các tháng khác trong năm. Để ổn định thị trường thực phẩm cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục sẽ làm việc với các doanh nghiệp, xây dựng phương án để đáp ứng đủ thực phẩm thay thế nguồn cung thịt lợn như: Thịt gà, bò, cá...
Đồng thời, Chi cục sẽ tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thực phẩm nhằm đưa ra thị trường những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ và giải quyết khâu tiêu thụ cho người dân.