Cuộc sống trong bãi rác điện tử lớn nhất thế giới
Phế liệu điện tử tại bãi rác Agbogbloshie (Ảnh: Peter Yeung)
Rác thải công nghệ đi về đâu
Những cột khói mù mịt chứa nhiều axit độc hại bốc lên khắp bãi rác Agbogbloshie, nơi từng là vùng đất ngập nước trước đây. Hiện nay nó được biết đến là một trong những bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, bãi phế liệu khổng lồ này mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều người lao động tại khu vực. Ước tính, hằng ngày có đến 10.000 nhân công làm việc ở đây.
Công việc của họ là trèo lên những núi rác khổng lồ các linh kiện, thiết bị điện tử để tìm kiếm và lựa chọn những phần kim loại có thể nung chảy, lấy sắt và đồng thau và vàng.
Bỏng, các vấn đề về lưng hay vết thương bị nhiễm trùng… là những căn bệnh phổ biến ở những công nhân này. Bệnh cạnh đó, quá trình khai thác và tách kim loại rất nguy hiểm do thải độc tố vào không khí và gây ra những vấn đề về sức khỏe và môi trường nghiêm trọng như: Các cơn đau mãn tính, thai chết lưu, gây tổn thương chuỗi thức ăn…
Ghana là một trong những quốc gia ở châu Phi - nơi chất thải điện tử từ khắp nơi trên thế giới đổ về (Ảnh: Peter Yeung) |
Kết quả xét nghiệm một quả trứng của gà thả rông ở Agbogbloshie cho thấy, nhiều chất độc đã vượt quá giới hạn cho phép của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (gấp 220 lần), có thể gây ung thư và làm hỏng hệ thống miễn dịch.
Các công nhân tại bãi phế liệu cho biết, họ phải chịu những cơn đau tức ngực, đau đầu do hít phải khói từ công đoạn nung chảy thiết bị, linh kiện điện tử.
“Khi còn là một cậu bé, tôi ước lớn lên sẽ là cầu thủ bóng đá nhưng giờ thì không thể”, anh Abdullah Boubacar (28 tuổi, chuyển đến Accra từ năm 2008) nói. Anh cho biết đã bị loét dạ dày và luôn cảm thấy mệt mỏi. Boubacar thường dành cả ngày đập phá máy tính và ti vi cũ để tìm kiếm các bộ phận có giá trị cũng như đốt dây điện để thu hồi đồng.
Bãi rác Agbogbloshie là kết quả của nhu cầu ngày càng tăng đối với thiết bị điện tử khi người tiêu dùng liên tục nâng cấp thiết bị và loại bỏ những đồ cũ hơn.
Tại Ghana, chất thải được chuyển đến thông qua cảng Tema, cách 20 dặm về phía Đông của bãi rác Agbogbloshie. Hàng trăm ngàn tấn thiết bị điện tử đã qua sử dụng, chủ yếu đến từ Tây Âu và Mỹ, được đóng trong các container lớn. Chúng thường được dán nhãn là sản phẩm tiêu dùng cũ, vì vậy không được coi là chất thải nhưng tác động độc hại như nhau.
Tổng cộng khoảng 80.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang sống tại bãi rác Agbogbloshie. Họ sống ngay tại chỗ hoặc trong khu ổ chuột liền kề. Họ những người nghèo nhất ở thủ đô Accra, nơi có 1,7 triệu dân. Ngoài ra, nhiều người trong số họ đến từ khu vực phía Bắc Ghana hay các quốc gia lân cận như Nigeria, Mali và Bờ Biển Ngà.
Theo công ước Basel (hiệp ước quốc tế cấm các quốc gia phát triển đổ rác thải điện tử trái phép ở các nước kém phát triển), thống kê cho thấy Ghana nhập khẩu khoảng 150.000 tấn thiết bị điện tử cũ mỗi năm. Tuy nhiên, con số thực tế có khả năng cao hơn do việc tái chế bất hợp pháp rẻ và nhanh hơn rất nhiều.
50 triệu tấn chất thải điện tử mỗi năm
Tình trạng chất thải điện tử ngày càng gia tăng đang là vấn đề nan giải tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thu gom, tái chế, xử lý chất thải điện tử không đúng cách sẽ gây ra những hiểm họa cho môi trường và sức khỏe con người.
Theo một báo cáo của của Liên hợp quốc năm ngoái, có khoảng 50 triệu tấn chất thải điện tử được thải ra mỗi năm. Một khối lượng lớn chất thải điện tử như vậy thường được gửi từ các nước phương Tây đến các quốc gia đang phát triển ở châu Phi và châu Á.
Những nơi này thường xuyên diễn ra tình trạng chất thải điện tử được xử lý trong môi trường không được kiểm soát hay còn gọi là bất hợp pháp. Theo Liên hợp quốc, có đến 90% số rác thải điện tử trên toàn cầu đang được xử lý theo cách này.
Thị trấn Guiyu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) cũng nổi tiếng là một trong những bãi rác thải điển tử lớn nhất thế giới (Ảnh: Reuters) |
Con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Trong đó, chỉ có 20% chất thải điện tử được tái chế một cách thích hợp. Phần còn lại, chúng kết thúc tại bãi rác hoặc được xử lý bởi những người lao động không chính thức trong điều kiện làm việc tồi tàn.
“Rác thải điện tử có thể trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến các khu vực đô thị, nếu không được giải quyết. Nó là thách thức và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường, sức khỏe con người trên toàn thế giới”, ông Stephan Sicars, Giám đốc môi trường của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc cảnh báo.
Theo Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trong chất thải điện tử có chứa hàm lượng lớn chì nếu thải ra môi trường có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng đối với thận, máu, hệ thần kinh trung ương và ngoại biên.
Bài liên quan
Thái Lan cấm nhập khẩu rác điện tử và nhựa
Nỗ lực chống rác thải nhựa trên thế giới
Philippines “đau đầu” với xử lý rác thải
Học cách vứt rác như người Nhật Bản
Liên hợp quốc siết chặt buôn bán rác thải nhựa