Cuộc khủng hoảng thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc
Nền nhiệt Trung Quốc đang tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu Hãng xuất khẩu ôtô lớn nhất Trung Quốc muốn sản xuất xe ngay tại Việt Nam Giới trẻ Trung Quốc có xu hướng thắt chặt chi tiêu |
Khi Zheng Jin bị một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc cho thôi việc vào tháng 2/2022, cô đã cảm thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi một ngành công nghiệp đang sa sút. Tuy nhiên, 3 tháng sau, cô đã rất hoảng sợ khi nộp đơn xin việc tại khoảng 400 công ty mà vẫn không có kết quả.
Sinh viên tốt nghiệp Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh mùa hè năm 2021 (Ảnh: Bloomberg) |
“Tôi không thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Cuộc sống không có hy vọng, tôi không biết mình có thể dùng khoản tiết kiệm trong bao lâu nữa", cô gái 26 tuổi đã trải qua khoảng chục cuộc phỏng vấn việc làm mà không có lời đề nghị thử việc nào than thở.
Cô Zheng Jin từng làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu thị trường bất động sản ở Nam Kinh. Cô bị cho thôi việc do công ty cắt giảm 30% nhân viên sau khi Chính phủ nước này áp đặt các quy định tài chính chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản, khiến lĩnh vực này rơi vào khủng hoảng.
Zheng hiện phải cạnh tranh với hàng chục triệu người đang vật lộn để tìm việc làm. Vào tháng 4/2022, tỷ lệ thất nghiệp của người từ 16 - 24 tuổi ở Trung Quốc bao gồm cả sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã tăng lên mức kỷ lục 18,2%. Con số này cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị ở Trung Quốc và hơn 7,9% trong cùng nhóm ở Mỹ.
Các chuyên gia lao động việc làm ngày càng lo ngại tình trạng thất nghiệp sẽ trở nên tồi tệ hơn ở đất nước này, thậm chí vượt qua mức đỉnh điểm vào năm 2020 khi COVID-19 xuất hiện và lây lan toàn thế giới. Làn sóng bùng phát của biến chủng mới Omicron và tình trạng đóng cửa ở những nơi như Thượng Hải đã buộc các công ty phải cắt giảm nhân viên hoặc giảm lương nếu họ đủ may mắn trụ lại được.
Cảnh đông nghẹt tại hội chợ việc làm dành cho sinh viên một trường đại học ở TP Thẩm Dương, Trung Quốc (Ảnh: REUTERS) |
Hàng triệu lao động trẻ như cô Zheng, những người đã bị sa thải khỏi các công ty công nghệ và kinh doanh bất động sản vẫn đang cố gắng tìm việc làm. Kỷ lục sẽ có khoảng 10,76 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong năm nay bổ sung nguồn lực khổng lồ cho thị trường lao động của đất nước này.
Một trong số đó là Xie Huiyu (25 tuổi, quê ở tỉnh Chiết Giang, học thạc sĩ toán học ở Anh) đến Thượng Hải vào tháng 11/2021 để thực tập tại một công ty công nghệ. Cô được hứa ký hợp đồng toàn thời gian trong việc vận hành sản phẩm sau khi tốt nghiệp vào mùa hè. Tuy nhiên, cuối tháng 3 vừa qua khi hàng triệu cư dân thành phố buộc phải “nhốt mình trong nhà”, công ty đột ngột kết thúc kỳ thực tập của cô. Đồng thời, công ty cũng thu hồi lời đề nghị với cô Xie Huiyu cùng khoảng 40 sinh viên sắp tốt nghiệp ở Thượng Hải với lý do đang gặp khó khăn lớn vì sự bùng phát của COVID-19. Kể từ đó, cô Xie Huiyu sống trong căn hộ thuê dựa vào sự hỗ trợ tài chính của gia đình ở quê nhà và thức ăn do chủ nhà cho.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc chưa đạt đến đỉnh điểm, dự đoán có thể lên tới 6,5% trong những tháng tới. Đó sẽ là một kỷ lục kể từ khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thống kê số liệu từ tháng 1 năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có thể tăng vọt lên gần 20% vào mùa hè khi một lực lượng đông đảo sinh viên tốt nghiệp tham gia thị trường lao động.
Cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động vốn đã căng thẳng ở đất nước tỷ dân. Hàng triệu việc làm đã bị mất do thị trường bất động sản bị thu hẹp và sự siết chặt hoạt động của các công ty công nghệ, doanh nghiệp dạy thêm vì lợi nhuận. Đối với những lao động trẻ, áp lực cạnh tranh việc làm với hàng triệu người khác đang trở nên quá lớn đối với họ.