Cơ hội nào cho kẻ đầu độc chị họ ở Thái Bình thoát được án tử?
Bị cáo Lại Thị Kiều Trang bị HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt tử hình về tội giết người
Bài liên quan
Phòng khám đa khoa Thái Bình Dương bị xử phạt 343 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động 6 tháng
Thông tin mới nhất về vụ đầu độc bằng trà sữa ở Thái Bình khiến một nữ điều dưỡng tử vong
Thái Bình: Đối tượng ngoại tình với anh rể, đầu độc chị họ sẽ phải đối mặt với hình phạt nào?
Án tử hình cho kẻ đầu độc vợ của người tình
Ngày 17/7, TAND tỉnh Thái Bình đã đưa Lại Thị Kiều Trang (25 tuổi, ở huyện Kiến Xương, Thái Bình) ra xét xử sơ thẩm về tội giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Nạn nhân là nữ điều dưỡng N.T.H (29 tuổi, trú tại phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), đang làm việc tại Bệnh viện Phổi Thái Bình.
Theo điều tra, Trang từng có quan hệ tình cảm với anh rể là P.V.Q (30 tuổi). Khi anh Q đề nghị chấm dứt mối quan hệ, bị cáo đã mua chất độc xyanua về định tự tử nhưng sau đó lại nảy sinh ý định đầu độc chị Đ.T.H.Y (30 tuổi), vợ người tình và cũng chính là chị họ của Trang.
Biết chị họ thích uống trà sữa, ngày 2/12/2019, Trang mua 6 cốc rồi bơm xyanua vào 4 cốc thì hết. Tiếp đó, Trang mua thêm 1 túi quýt và bỏ vào phong bì 100 nghìn đồng, vờ là người nhà bệnh nhân đến khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Thái Bình (nơi chị Y làm việc) để gửi cảm ơn chị Y. Lúc đó, chị Y không ở cơ quan nên Trang gửi trà sữa cho một điều dưỡng viên khác. Nhận trà sữa từ Trang, nữ điều dưỡng tên P.T.L đã cất vào tủ lạnh.
Khoảng 10 giờ ngày 3/12, sau khi thăm khám cho bệnh nhân, điều dưỡng N.T.H trở về phòng giao ban và lấy trà sữa ra sử dụng. Khi chị H uống được vài ngụm thì thấy trà có mùi vị lạ nên đi súc miệng nhưng sau đó ngã quỵ rồi tử vong.
Sau khi vào cuộc điều tra, ngày 30/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Lại Thị Kiều Trang về tội giết người. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, ngày 31/12/2019, Công an tỉnh Thái Bình quyết định khai quật thi thể nạn nhân để điều tra làm rõ.
Trong quá trình xét xử vụ án đầu độc chị họ bằng trà sữa ở Thái Bình, bị cáo Lại Thị Kiều Trang luôn cúi mặt tỏ ra ân hận |
Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình cho rằng, qua lời khai và quá trình xét hỏi, hành vi của bị cáo Trang đi ngược chuẩn mực đạo đức xã hội, gây hoang mang cho người dân. Để đạt được mục đích của mình, bị cáo coi thường tính mạng người khác và coi thường pháp luật, vì vậy đề nghị áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Trang quay xuống xin lỗi gia đình nạn nhân: “Em xin lỗi anh và gia đình nhà chị rất nhiều, chỉ vì sự thiếu hiểu biết của em mà gây hậu quả thế này. Bị cáo mong gia đình, người thân của bị hại và TAND tỉnh Thái Bình cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật".
Sau khi nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên án tử hình bị cáo Lại Thị Kiều Trang theo khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự; Đồng thời, buộc bị cáo Trang có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân tổng số tiền 269 triệu đồng, cấp dưỡng cho 3 con nạn nhân đến năm 18 tuổi số tiền 2 triệu đồng/tháng.
Kẻ đầu độc chị họ liệu có cơ hội sống?
Kết thúc phiên xử, dư luận đặt câu hỏi, với việc bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên án tử hình vì có hành vi giết người, bị cáo Lại Thị Kiều Trang liệu có còn cơ hội thoát án tử?
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ quy định của pháp luật, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Vì vậy bị cáo Lại Thị Kiều Trang có thể kháng cáo để xin giảm hình phạt hoặc cũng có thể gửi đơn đến Chủ tịch nước để xin ân giảm.
Xét về mặt lý thuyết, cơ hội thoát án tử hình của bị cáo Trang vẫn còn nếu như tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm để thay đổi hình phạt hoặc cũng có thể được Chủ tịch nước ân giảm. Tuy nhiên, với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thì cơ hội để Trang thoát án tử hình là không cao.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, Lại Thị Kiều Trang bị Viện KSND tỉnh Thái Bình truy tố theo khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự về tội giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người và vì động cơ đê hèn... với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bị cáo là người có trình độ hiểu biết, nhận thức rõ hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể tước đoạt tính mạng của nhiều người nhưng cố ý thực hiện hành vi, hậu quả của hành vi là một nạn nhân tử vong, nhiều người khác xuýt nữa cũng mất mạng. Bởi vậy, viện KSND tỉnh Thái Bình đề nghị HĐXX áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo là tử hình.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo không thể cải tạo được, cần phải loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Bởi vậy, HĐXX đã tuyên hình phạt cao nhất là tử hình dù trước đó bị cáo Trang tỏ ra ăn năn hối cải và muốn có cơ hội làm lại cuộc đời.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích cơ hội sống của bị cáo Trang trong vụ án đầu độc chị họ bằng chất xyanua ở Thái Bình |
Dư luận cũng cho rằng, án tử hình đối với bị cáo Trang là phù hợp bởi hành vi rất tàn nhẫn, có thể làm chết nhiều người. Thực tế đã có nạn nhân thiệt mạng, nhiều người khác không chết là do ngoài mong muốn của bị cáo. Bị cáo là người trẻ tuổi, có trình độ nhận thức, có học thức phải biết rõ hậu quả của hành vi do mình gây ra.
Theo Điều 40, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tử hình như sau: Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do bộ luật này quy định.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trong trường hợp xảy ra tình huống nêu trên hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Như vậy, theo quy định tại Điều 40, Bộ luật Hình sự, bị cáo Trang chỉ có thể thoát án tử hình nếu như có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc được Chủ tịch nước ân giảm sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Do đó, về mặt lý thuyết, Lại Thị Kiều Trang vẫn có cơ hội thoát án tử hình nếu như kháng cáo xin giảm hình phạt được tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại và đồng ý hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 40, Bộ luật Hình sự nêu trên.