Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ sai phạm tại Văn phòng đại diện Báo GD&TĐ tại Đà Nẵng?
Bài liên quan
Du lịch Việt Nam: nỗi buồn đi ngủ sớm
Đà Nẵng: Rác thải rắn sẽ được phân loại tại tất cả các xã, phường vào năm 2025
Đà Nẵng: Người dân tiếp tục kéo đến Công ty Phú Gia Thịnh đòi đất
Chi gần 1.500 tỉ đồng cải thiện môi trường nước phía Đông Đà Nẵng
Đà Nẵng: 2 nhà máy thép ngàn tỷ có nguy cơ thành đống phế liệu
Đà Nẵng – thành phố du lịch “đi ngủ sớm”
Có dấu hiệu hình sự?
Trước những dấu hiệu vi phạm của cán bộ, nhân viên tại văn phòng đại diện tại Đà Nẵng, tháng 10/2018, Báo Giáo dục và Thời Đại (GD&TĐ) đề nghị đơn vị kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán hoạt động thu chi văn phòng này.
Kết quả kiểm toán cho thấy có những vi phạm trong hoạt động tài chính. Cụ thể, đơn vị kiểm toán phát hiện các khoản chi cho cộng tác viên không ký nhận tiền mà do bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (SN 1959, trú tại 22 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là Trưởng văn phòng thường trú của Báo ký nhận. Hồ sơ kế toán kèm theo không có hợp đồng với các cộng tác viên. Tổng số tiền chi sai từ 2010 đến 2013 là 44 triệu đồng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy người ký nhận tiền khác với người nhận tiền trên chứng từ của các khoản chi tiền nhuận bút và chi phí khác. Tổng số tiền chi sai từ 2010 đến 2013 là trên 148 triệu đồng. Bên cạnh đó còn nhiều khoản chi không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, tổng số tiền chi sai từ 2009 đến 2013 là 173.996.000 đồng.
Đơn vị kiểm toán cũng chỉ rõ nhiều khoản chi phí có mâu thuẫn về nội dung, chứng từ kèm theo. Số tiền chi sai từ 2009 đến 2013 là hơn 46 triệu đồng. "Đoàn kiểm tra nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các sai phạm trên nhằm chiếm đoạt tiền tại Văn phòng đại diện Đà Nẵng - Báo Giáo dục và Thời đại. Các hành vi sai phạm này có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản theo điều 353 Bộ luật Hình sự 2015" - văn bản của đơn vị kiểm toán nêu rõ.
Ngày 20/11/2018 Báo Giáo dục và Thời đại có văn bản số 836/GD&TĐ đề nghị Công an TP Đà Nẵng xứ lý hành vi của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (SN 1959, trú tại 22 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Ngoài bà Hồng còn có bà Trương Thị Ngọc Lan (SN 1977, trú tại 71/18 Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là kế toán kiêm thủ quỹ văn phòng về hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, vụ việc này kéo dài đến nay đã gần 1 năm nhưng không được Công an TP Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.
Ngày 13/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu bất ngờ có QĐ số 38 về việc Tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Công an quận Hải Châu đưa ra lý do: Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tại liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả (theo nội dung văn bản số 302/CSĐT ngày 8/5/2019- PV).
Trụ sở Văn phòng thường trú Báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng |
Kiến nghị khởi tố để tránh bỏ lọt tội phạm
Cho rằng việc Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, thiếu sự thuyết phục, ngày 4/10, Báo Giáo dục và Thời đại có văn bản Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng, gửi Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng kiến nghị việc Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) vi phạm quy định về giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Tại văn bản trên, Báo Giáo dục và Thời đại khẳng định: "Qua kiểm tra dấu bưu điện, dấu văn bản đến xác định trong khi Báo chưa nhận được văn bản số 302/CSĐT ngày 8/5/2019 thì Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đã ra quyết định tạm đình chỉ nói trên. Ngay sau đó chúng tôi đã cử cán bộ cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu tại công văn số 302/CSĐT ngày 8/5/2019. Chúng tôi khẳng định rằng việc Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu ban hành quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm trong trường hợp trên là trái quy định pháp luật (Điều 148 – BLTTHS)".
Đại diện báo Giáo dục và Thời đại cho biết, sau khi Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm như trên thì bà Hồng và bà Lan càng thể hiện sự thách thức, coi thường pháp luật.
Được biết, trước đó ngày 23/8/2019 Báo Giáo dục và Thời đại đã có công văn số 445/GD&TĐ gửi Giám đốc Công an TP Đà Nẵng tố cáo bà Trương Thị Ngọc Lan có hành vi vu khống, làm nhục người khác. Đến ngày 30/8/2019 cơ quan này cũng đã có văn bản số 373/GD&TĐ gửi Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đề nghị phục hồi giải quyết tố giác tội phạm, trả lời kết quả điều tra theo quy định pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết của Công an quận Hải Châu.
"Việc Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu chưa ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố là vi phạm quy định tại điều 149 – BLTTHS" - văn bản vừa được gửi đi của Báo Giáo dục và Thời đại khẳng định.
"Đây là vụ việc phức tạp, có dấu hiệu tham nhũng, chiếm đoạt tài sản nhà nước; vu khống, xâm phạm danh dự nhân phẩm của lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại. Mặt khác, quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu có nhiều vi phạm, có biểu hiện không khách quan; do vậy chúng tôi đề nghị quý Cơ quan thực hiện giám sát, Đề nghị Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu chuyển hồ sơ để Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để đảm bảo sự khách quan, nghiêm minh của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm" - văn bản của Báo GD&TĐ gửi Công an TP Đà Nẵng khẳng định rõ.