CII chỉ bán được hơn 3,5 triệu cổ phiếu quỹ do giá không đạt kỳ vọng
CII lỗ nặng: Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình giải trình ra sao? Cổ phiếu nằm sàn liên tục, nhà đầu tư bức xúc ban lãnh đạo CII |
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CK: CII) vừa thông báo đã bán được hơn 3,5 triệu đơn vị trong số 44,3 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký bán ra, tỷ lệ thực hiện 8%.
Thời gian thực hiện giao dịch từ 24/1 đến 22/2. Giá giao dịch bình quân 35.128 đồng/cổ phiếu, công ty thu về 123 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, việc chưa thực hiện hết số lượng cổ phiếu đăng ký bán là do thị giá CII trong thời gian từ 26/1 đến 21/2 thấp hơn khoảng giá đã được Hội đồng quản trị thông qua, nên công ty không thể bán hết số cổ phiếu như đã công bố.
Trước đó, ban lãnh đạo CII quyết định bán cổ phiếu quỹ khi mã này có đà tăng giá mạnh từ vùng 25.700 đồng/cổ phiếu lên ngưỡng 60.000 đồng/đơn vị hồi đầu tháng 1/2022.
Tuy nhiên, sau thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đầu giá lô đất tại Thủ Thiêm, cổ phiếu CII đã giảm sâu, với hơn 10 phiên giảm sàn. Hiện nay, cổ phiếu này đã phục hồi lên lại vùng 35.050 đồng/đơn vị.
CII ký kết phát triển dự án The Riverin (Thu Thiem River Park) |
Việc ban lãnh đạo CII quyết định bán hơn 44 triệu cổ phiếu quỹ trong lúc thị giá giảm sâu mà không có động thái trấn an cổ đông đã khiến nhà đầu tư bức xúc.
Trên các diễn đàn chứng khoán và mạng xã hội, các nhà đầu tư thẳng thắn chỉ trích ban lãnh đạo CII không vì cổ đông, làm nhiều nhà đầu tư đu đỉnh "mất Tết" nhưng không có động thái trấn an cổ đông, ngược lại còn bán cổ phiếu quỹ khiến thị giá CII lại càng mất giá.
Về kết quả kinh doanh, năm 2021, CII kinh doanh kém khả quan do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khi oanh thu giảm 47% xuống 2.868 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 341 tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CII cho biết, 2 quý cuối năm 2021, việc giãn cách xã hội kéo dài khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Hai mảng đem lại doanh thu chính là thu phí giao thông và bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề do tất cả trạm BOT phải dừng thu, hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn, từ đền bù, xây dựng, đến kinh doanh.
Mặt khác, việc doanh thu giảm mà vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại. Việc mất cân đối nghiêm trọng giữa doanh thu và chi phí đã dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ âm gần 341 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo CII, kết quả kinh doanh hợp nhất trên chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận mà CII đã thu thực tế trong năm. Trong đó, khoản thu lớn nhất đến từ việc thoái vốn đầu tư cổ phần tại công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã CK: NBB).
Cụ thể, doanh nghiệp đã thoái thành công 25,4 triệu cổ phiếu NBB, thu về số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận khoảng 595 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng. Song, do Năm Bảy Bảy vẫn là công ty con nên khoản lợi nhuận này được ghi tăng trực tiếp vào lợi nhuận chưa phân phối mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng “lời thật, lỗ giả”.
Mặt khác, lãnh đạo CII cũng cho biết căn cứ lộ trình dự kiến của Bộ Tài chính về việc áp dụng chuẩn mực IFRS, doanh nghiệp đã thử nghiệp lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS cho năm 2022. Kết quả tính toán cho thấy tổng thu nhập toàn diện sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ước đạt khoảng 1.700 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của CII tại thời điểm ngày 31/12/2021 tăng 5% so với đầu năm, ghi nhận gần 31.000 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng 44%, lên hơn 4.500 tỷ đồng, chủ yếu là các bất động sản dở dang (gần 3.800 tỷ đồng).
Ngược lại, khoản mục tài sản dở dang dài hạn của công ty lại giảm 71%, còn hơn 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do CII không còn ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại 3 dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội, BOT Quốc lộ 60 và Cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ, đầu năm ghi nhận tổng cộng gần 4.900 tỷ đồng.