Chuyển đổi số: Bài toán không thể mang tính nhỏ lẻ
Ông Keith Davies, Giám đốc chiến lược ngành Năng lượng, Tài nguyên và Công nghiệp, Monitor Deloitte Đông Nam Á
Bài liên quan
68 dự án vào chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019
“Thời điểm vàng” cho thanh niên khởi nghiệp
Cục thương mại điện tử và kinh tế số cùng T&T Group giúp sinh viên khởi nghiệp trên Amazon
Khởi nghiệp mùa Trung thu: livestream bán đồ chơi, bánh nướng không nhân hốt bạc triệu
Hàng loạt khoản vốn khủng “chảy” vào khởi nghiệp Việt Nam
Khởi động cuộc thi Startup Zone 2019
Cần phản ứng nhanh
Có thể nói, kỹ thuật số đã và đang được áp dụng vào tất cả các hoạt động của con người. Lần đầu tiên trong lịch sử, công nghệ có đủ sức lan tỏa với chi phí hợp lý để mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Công nghệ đã trở nên phổ biến và gắn liền với cuộc sống của con người, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và hiện đại hóa các hoạt động giải trí, giao tiếp, học tập và các hoạt động cá nhân khác. Trên phương diện kinh doanh, kỹ thuật số đang làm thay đổi cách vận hành của mọi doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động bán hàng và tiếp thị, phát triển mạng lưới khách hàng, nâng cao năng suất của nhân viên và nhiều chức năng kinh doanh khác đang được xác định lại.
Bằng việc chuyển đổi kỹ thuật số, các bạn trẻ có thể khởi nghiệp từ những mô hình nhỏ, ít vốn từ bán hàng online đến những dự án lớn. Còn doanh nghiệp có thể giành lợi thế thông qua những sáng kiến, thiết kế, ứng dụng công nghệ vào các mô hình kinh doanh mới một cách sáng tạo, linh hoạt và có chiến lược.
Trên thực tế, chúng ta chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng. Cụ thể, DuPont tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, gia tăng lợi nhuận, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn; giảm đến 90% thời gian xử lý đơn hàng; cá nhân hoá cao độ trải nghiệm khách hàng… Trong chưa đầy ba năm, doanh nghiệp này đã giảm thiểu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin từ 6.000 xuống còn 1.100 ứng dụng. Đây là một trong những điển hình về kinh nghiệm thành công trong chuyển đổi số trên thế giới của một doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu hiện ở mức 85 tỷ USD.
Không chỉ DuPont, nhiều doanh nghiệp khác như Amazon hay Wallmart đã rất thành công khi có bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến những trường hợp như Kodak, Yahoo… thất bại do không thích ứng với chuyển đổi số, chậm đổi mới sáng tạo hoặc khi nhận ra thì đã quá muộn.
Theo nghiên cứu về kinh doanh kỹ thuật số của MIT SMR và Deloitte năm 2018, dựa trên một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 4.800 nhà quản lý, giám đốc điều hành, nhà phân tích tại 125 quốc gia và trong 28 ngành nghề khác nhau, thách thức lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong môi trường kỹ thuật số của một doanh nghiệp là thiếu sự trải nghiệm và khám phá.
“Chúng ta đều cho rằng thử nghiệm là điều rất dễ thực hiện nhưng đa số tổ chức còn ngại đối mặt với rủi ro, sợ thất bại. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, 37% người trả lời khảo sát đồng ý rằng, kết quả từ các trải nghiệm thất bại là cơ sở cải thiện khả năng thích nghi với chuyển đổi số của tổ chức. Do đó, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, dám chấp nhận rủi ro thử nghiệm thất bại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải phản ứng nhanh với những thất bại của sự trải nghiệm để quyết tâm đi nhanh, tiến xa hơn”, ông Keith Davies, Giám đốc chiến lược ngành Năng lượng, Tài nguyên và Công nghiệp, Monitor Deloitte Đông Nam Á chia sẻ.
Nghiên cứu về kinh doanh kỹ thuật số của MIT SMR và Deloitte cũng cho thấy, 90% doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ cần cập nhật lại các kỹ năng của mình ít nhất một lần mỗi năm; 34% hài lòng với mức độ mà tổ chức của họ hỗ trợ phát triển các kỹ năng cần thiết hiện nay; 22% doanh nghiệp trong giai đoạn đầu đổi mới kỹ thuật số đang dần trao quyền quyết định cho các cấp quản lý thấp hơn trong tổ chức. Kết quả thành công ở các doanh nghiệp đã hoàn thiện đổi mới kỹ thuật số cao gấp bốn lần so với các doanh nghiệp có độ hoàn thiện kỹ thuật số kém hơn...
Cần kết hợp yếu tố công nghệ và con người
Số hóa đang làm cho những vấn đề như giao tiếp và chia sẻ thông tin dễ dàng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Các công ty không nắm bắt kịp thời những kỳ vọng của nhân viên và đáp ứng được mong muốn của khách hàng sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chuyển số thành công thì hiểu biết thôi là chưa đủ. Doanh nghiệp cần tốc độ. Đó chính là khả năng điều chỉnh, đổi mới chính bản thân doanh nghiệp để phù hợp với mong muốn của khách hàng và sự liên tục phát triển của nguồn nhân lực.
Theo quan sát của ông Keith Davies, hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt đều đang nỗ lực trong vấn đề chuyển đổi số. Tuy nhiên, kết quả ban đầu cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi này.
Đặc biệt, nhiều công ty đang chật vật để tìm ra đường lối lãnh đạo cụ thể trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi số. Nghiên cứu của Altimeter cho thấy, chỉ có 40% lãnh đạo điều hành của các công ty được khảo sát thực sự nỗ lực trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi số. Trong số đó, dẫn đầu là giám đốc nghiên cứu thị trường CIO (Chief Information Officer), chiếm 28% tổng số các công ty.
Để doanh nghiệp có thể chuyển đổi số thành công cần sự nỗ lực từ nhiều bộ phận khác nhau. Việc thêm bộ phận kỹ thuật số vào cấu trúc tổ chức của một công ty có thể hoạt động như một băng cứu trợ tạm thời nhưng về lâu dài sẽ thiếu tính cập nhật liên tục.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho rằng, chuyển đổi số là một tiến trình của cuộc cách mạng, thay đổi cả lượng và chất. “Chuyển đổi số đem đến cho FPT cơ hội mới, to lớn hơn trong thế giới công nghệ thông tin bởi thị trường này có dung lượng lớn và rộng mở. Chiến lược này mang lại giá trị kép khi vừa nâng cao giá trị và vai trò của FPT, vừa tạo ra giá trị lớn cho các doanh nghiệp đồng hành tham gia”, ông Bình nhận định.
Được biết, ngay trong năm 2019, với năng lực, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, FPT sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực, nâng cao năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ 4.0 như: AI, Big Data, Chatbot… trong các hoạt động của tập đoàn.
Muốn chuyển đổi số thành công, ông Keith Davies cho rằng, phải kết hợp cả hai yếu tố công nghệ và con người. Nếu chỉ tập trung vào một trong hai thì có thể ghi nhận một số thành công ban đầu nhưng không đáng kể. Sự thành công này cũng sẽ chỉ mang tính nhỏ lẻ, khó thay đổi toàn hệ thống.