Chú trọng công tác thu gom rác thải y tế
Khu xử lý rác thải nguy hại của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa |
Những chỉ đạo kịp thời
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí là rủi ro sức khỏe nghiêm trọng. Các chất gây ô nhiễm vi mô/siêu mịn trong không khí có thể xâm nhập vào hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, gây tổn thương phổi, tim và não, là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm do mắc các bệnh lý như ung thư, đột quỵ, tim và phổi. Khoảng 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi có tỷ lệ phát thải khí cao từ các ngành công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và việc sử dụng nhiều bếp lò cũng như nhiên liệu bẩn tại gia đình.
trong những năm gần đây, các bệnh nhân về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra. Kết quả thống kê cứ 100.000 dân có đến 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% viêm họng và viêm amidan cấp; 3,1% viêm phế quản và viêm tiểu phế quản.
Người lao động là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi môi trường không khí của khu vực sản xuất bị ô nhiễm. Trong đó, người lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp thường bị mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, mắt, bệnh ngoài da và một số hiện tượng ngộ độc CO, SO2, chì...
Trong khi đó trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi cơ thể trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, đồng thời ở lứa tuổi này trẻ hoàn toàn bị thụ động trước các ảnh hưởng có hại của môi trường do người lớn gây ra.
Trước đây rất hiếm trường hợp trẻ 2 tuổi bị hen phế quản. Nay những trường hợp này ngày càng nhiều hơn, trầm trọng hơn. Hay bệnh viêm mũi thường chỉ có triệu chứng sổ mũi, nay chuyển xuống viêm họng, viêm thanh quản. Mật độ dân cư đông, ô nhiễm môi trường được cho là nguyên nhân làm trầm trọng và gia tăng bệnh tật như hiện nay.
Vì vậy, việc bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh là vô cùng cần thiết.
Các Sở Tài nguyên & Môi trường đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn liên quan, UBND cấp xã hướng dẫn người dân tập kết rác thải đúng nơi quy định; đôn đốc, giám sát các đơn vị, cơ sở làm dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là các khu kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người; thực hiện nghiêm túc và thường xuyên thu gom, vận chuyển rác thải, chất thải phát sinh trên địa bàn quản lý; quản lý vận hành quy trình xử lý rác thải tại các nhà máy xử lý, quy trình chôn lấp tại các bãi chôn lấp rác thải theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn phòng dịch; trang bị bảo hộ lao động đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh cho người lao động.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn phòng dịch; giao Phòng Tài nguyên & Môi trường thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình công tác bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Các cơ sở y tế thực hiện phân loại tại nguồn, thu gom triệt để chất thải lây nhiễm phát sinh, lưu giữ tạm thời, chuyển giao xử lý chất thải y tế đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn phòng dịch bệnh. Trường hợp xảy ra dịch bệnh, các loại chất thải y tế phát sinh tại cơ sở y tế, chất thải của các khu vực cách ly phải áp dụng thực hiện bổ sung biện pháp quản lý, xử lý theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chóng dịch bệnh Covid-19 tỉnh.
Các cơ sở tham gia hoạt động xử lý chất thải y tế thực hiện tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo đúng quy trình kỹ thuật đã được cấp phép, đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định; đồng thời trang bị và thực hiện các biện pháp kiểm soát an toàn phòng dịch bệnh cho người lao động và quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải (trang bị bảo hộ lao động, khẩu trang, hoá chất khử khuẩn, thực hiện biện pháp khử khuẩn an toàn trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý…).
Công tác thu gom rác thải y tế được thực hiện nghiêm
Tại các địa phương đã thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế tại văn bản số 1734/BYT-MT về việc tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã nghiêm túc trong việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Theo thống kê tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 190 kg – 200 kg/ngày. Chất thải y tế nguy hại được phân loại ngay khi phát sinh theo đúng quy định của Bộ Y tế và được hộ lý thu gom, nhân viên chuyên trách quản lý. Sau đó được tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng của bệnh viện, đảm bảo khoảng cách an toàn. Tại đây, các nhân viên chuyên trách xử lý rác bằng máy NEWSTER NW10 – Italy (hệ thống xử lý bằng tiệt khuẩn nhiệt ma sát) và máy STERILWAVE 440 - Betin (công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt) không phát sinh mùi hôi và hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Đối với chất thải lỏng được thu gom vào hệ thống thu gom chung của bệnh viện, với trung bình 450 m³/24h và xử lý tại trạm xử lý nước thải dạng hợp khối đúc sẵn công nghệ AAO tiên tiến của Kubota Nhật Bản, công suất 700 m³/24h. Sau khi nước thải xử lý và đảm bảo đạt tiêu chuẩn sẽ được đấu chung hòa vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố.
Trong thời gian phong tỏa vì để phòng, chống dịch Covid-19, bệnh viện C Đà Nẵng cũng đã thực hiện nghiêm túc việc thu gom, lưu giữ chất thải y tế. Tất cả rác thải tại các khu vực ngoài cách ly đều được đưa đến tập trung đúng nơi, đúng giờ quy định, thu gom qua hệ thống đường hầm xuống nhà xử lý rác, được khử khuẩn trước khi xe nhận rác tới.
Đặc biệt, đối với rác thải y tế dịch, các nhân viên thu gom được bảo hộ kỹ càng như khẩu trang, găng tay, mũ, mask, áo quần bảo hộ khi thu gom rác và xử lý triệt để trước khi mang ra ngoài khu cách ly. Rác tại các khu này, được cho vào thùng rác chứa chuyên dụng, đã được đặt ở đúng nơi quy định, dán kín miệng tránh rơi vãi, đồng thời xịt khử khuẩn trong quá trình di chuyển theo đường riêng, vào các khung giờ: 06h30ph, 13h, 18h và khi cần. Sau đó, rác được đưa về nơi thu, lưu giữ đến 7-9h sáng hằng ngày. Xe thu gom sau khi nhận rác sẽ phải chạy qua khu vực khử trùng trước khi rời bệnh viện để tránh lây lan virus.
Sở Y tế Quảng Bình đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác thu gom, phân loại chất thải tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm Covid-19 (nếu có), khu vực cách ly (cách ly tập trung tại các khu vực quân đội, cách ly tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cách ly tại nhà và khu vực cách ly khác được UBND tỉnh thành lập) đảm bảo thực hiện đúng theo quy định; hướng dẫn khử khuẩn nước thải sau xử lý tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Mặt khác, Sở Y tế chỉ đạo cụ thể đối với Bệnh viện đa khoa tuyến huyện trong trường hợp hệ thống xử lý rác thải y tế của Bệnh viện không đáp ứng được thì chỉ đạo vận chuyển đến Bệnh viện đa khoa tuyến huyện khác gần nhất (còn khả năng tiếp nhận xử lý) để phối hợp xử lý; nếu các Bệnh viện đa khoa tuyến huyện trong tỉnh không đáp ứng được thì hợp đồng với đơn vị có chức năng để tiếp nhận, xử lý...
Nhận thức rõ môi trường sạch sẽ, an toàn sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội được đặc biệt chú trọng.
Tinh thần chủ động tích cực phòng, chống dịch Covid -19 đã lan tỏa tới các ngõ phố của Hà Nội, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, nhất là việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Đơn cử, tại quận Thanh Xuân, ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, quận chú trọng duy trì nền nếp trong việc thu gom rác thải tồn đọng tại các địa bàn dân cư, điểm kinh doanh, cửa hàng, khu vực họp chợ và các điểm công cộng. Đồng thời triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường, bảo đảm cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, quy trình vận chuyển, thu gom rác thải đối với các địa điểm cách ly y tế tại nơi cư trú được triển khai nghiêm ngặt. Đơn vị thu gom sẽ di chuyển bằng xe ô tô thùng kín chuyên dụng tải trọng 1,25 tấn hoặc 2,5 tấn đến điểm tập kết để thu rác, tiến hành phun dung dịch khử khuẩn. Việc làm này vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại tránh được lây lan dịch bệnh tại những nơi có trường hợp cách ly.
Tại quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Văn Lợi - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận cho biết, UBND quận đã yêu cầu đơn vị trúng thầu duy trì thu gom, vận chuyển triệt để 100% khối lượng rác thải phát sinh trong ngày, phế thải xây dựng tồn đọng. Đơn vị vệ sinh môi trường cũng phối hợp với UBND các phường ra quân tổng vệ sinh các điểm công cộng, trường học, trạm y tế...
Nhằm hạn chế sự tồn đọng, lây lan của virus SARS-CoV-2 trong môi trường, phong trào tổng vệ sinh môi trường ở khu dân cư được các tổ chức đoàn thể, cụm dân cư duy trì đều đặn. Tại quận Hà Đông, các chi hội phụ nữ thường xuyên ra quân vệ sinh môi trường vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, trong đó, giao cho các hội viên tự quản phụ trách từng dãy phố, từng đoạn để đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ quận tham gia cùng với các trường học dọn vệ sinh, phun khử khuẩn, sẵn sàng đón các em học sinh trở lại trường sau thời gian cách ly xã hội.
Bà Lại Hà Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông cho biết: Quận tiếp tục duy trì vệ sinh môi trường hàng ngày tại 126 điểm công cộng, các khu vực dân cư, tòa nhà chung cư. Trong đó nhắc nhở hội viên, người dân thực hiện tốt việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không vứt rác thải bừa bãi.
Tại quận Ba Đinh, từ giữa tháng 3/2020, UBND quận ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “Tổ dân phố an toàn, ngõ phố an toàn” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý thức của mỗi người dân trong việc bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần xây dựng quận Ba Đình văn minh - an toàn - thân thiện, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan và những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Kế hoạch chú trọng việc bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Đồng thời, duy trì nền nếp trong việc tổng vệ sinh, thu gom rác thải tồn đọng tại các địa bàn dân cư, các điểm kinh doanh, cửa hàng, khu vực họp chợ và các điểm công cộng trên địa bàn quận.
Theo đó, các lực lượng chức năng tổ chức các đợt tuyên truyền về nội dung công tác phòng chống dịch, bảo đảm “Tổ dân phố an toàn, ngõ phố an toàn” trong công tác phòng chống dịch. Thường xuyên tổng vệ sinh chiều thứ 6 và sáng thứ 7 trên địa bàn dân cư, vận động nhân dân thu gom, vận chuyển rác thải tồn đọng tại các địa bàn dân cư, các điểm kinh doanh buôn bán, cửa hàng, khu vực chợ và các điểm công cộng về nơi quy định; ra quân tổng vệ sinh trong các ngõ phố, các nhà văn hoá...
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng, để phòng chống dịch, người dân TP Hà Nội đã chung tay cùng chính quyền chủ động thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường thường xuyên góp phần đảm bảo môi trường sạch sẽ trong từng khu dân cư nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.
Những ngày cuối tuần, bà Nguyễn Thị Xuân (phường Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm) và rất đông người dân trong phạm vi khu vực sinh sống đã tích cực tham gia dọn vệ sinh tổ dân phố. Đường ngõ được quét sạch, rác được thu cất đúng nơi quy định, bụi rậm được phát quang sạch sẽ. “Việc giữ gìn môi trường sống cũng là cách để phòng chống dịch Covid-19”, bà Xuân cho biết.
Vào thứ 7 hàng tuần, các đoạn đường do Hội Phụ nữ phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) quản lý đều được tổng vệ sinh sạch sẽ, 51 tổ dân phố trên địa bàn phường đều cùng chung tay dọn dẹp môi trường. Từ khi có dịch, Hội Phụ nữ phường tiếp tục phát động việc giữ gìn vệ sinh, hạn chế sử dụng bếp than tổ ong để đảm bảo vệ sinh môi trường,
Đáng chú ý, trong thời điểm nhiều luồng thông tin chưa được kiểm chứng đang lan truyền với tốc độ chóng mặt, tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, Hội Phụ nữ phường Trung Hòa đã yêu cầu hội viên kết hợp ra quân vệ sinh môi trường gắn với việc tuyên truyền, định hướng thông tin cho người dân trên địa bàn không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang cùng bình tĩnh, ổn định dư luận để phòng dịch tốt nhất.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) Mai Trọng Thái, để đảm bảo môi trường trên địa bàn TP nói chung và các cơ sở y tế nói riêng trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở TN&MT đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương cũng như đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Sở TN&MT cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các cơ sở y tế để lẫn chất thải y tế (nhất là chất thải y tế lây nhiễm) vào chất thải rắn sinh hoạt.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |