Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: Chúng tôi không chỉ nợ một mà nhiều lời xin lỗi!
Lãnh đạo vừa nhận “trát phạt” vi phạm chứng khoán, PNJ lại bị ngành thuế “sờ gáy” Lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô và PNJ bị phạt vì vừa mua vừa bán cổ phiếu |
Chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến “Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và Giải pháp” ngày 24/6, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán khi xây dựng thị trường đều mong muốn thị trường phát triển về quy mô, thanh khoản, chiều sâu…
Theo ông Dũng, khi sự cố nghẽn lệnh xảy ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), cơ quan quản lý đã nỗ lực chỉ đạo sát sao để có xử lý nhanh, hiệu quả nhất.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, những giải pháp đã đề cập nhiều, có giải pháp khẩn cấp, có giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, khó nhất với những người trong cuộc trong sáu tháng qua là phải tìm được giải pháp tốt nhất trong bối cảnh bị nhiều sức ép từ nhiều phía (sức ép từ nhu cầu thị trường, sức ép về việc thực hiện cho được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo, sức ép phải chọn một trong số cả rừng giải pháp được kiến nghị bởi nhiều tổ chức, cá nhân liên quan…).
“Trong bối cảnh đó, phản ứng ngay của cơ quan quản lý là rất quyết liệt, đã cùng với HOSE là xác định nguyên nhân; Họp bàn sớm với các công ty chứng khoán để cùng tìm giải pháp. Một trong những phương án rất gần với phương án của Tập đoàn FPT sau này đã thực thi. Chúng tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của HOSE trong việc những cải tiến kỹ thuật trong bối cảnh khó khăn đã nâng năng lực xử lý lệnh và thanh khoản lên rất cao”, ông Dũng chia sẻ.
Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định ưu tiên số một trong giai đoạn này là xử lý cho được tình trạng nghẽn lệnh, tuy nhiên các định hướng phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian tới so với kế hoạch không có gì thay đổi.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Dũng thừa nhận đã xảy ra tình huống này, ban lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE là có lỗi.
"Chúng tôi không chỉ nợ một lời xin lỗi, mà nợ nhiều lời xin lỗi. Chúng tôi chỉ mong muốn nhà đầu tư hiểu rằng, trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước đang rất nỗ lực để tìm giải pháp an toàn nhất, hiệu quả nhất, nhanh nhất", ông Dũng nói.
Đại diện cơ quan quản lý cũng cho biết, kế hoạch 100 ngày đưa vào vận hành hệ thống mới đang được HOSE và Tập đoàn FPT thực hiện quyết tâm. Đến thời điểm này đang vào bước cuối cùng để sẵn sàng đưa hệ thống vào hoạt động (dự kiến vào đầu tháng 7/2021), giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE.