Chủ tịch COP27 cảnh báo trở ngại đối với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu
Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry - Chủ tịch được chỉ định của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) - cảnh báo rằng mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang trở nên “mong manh hơn”.
Ông Sameh Shoukry cho rằng việc tạo dựng thỏa thuận khí hậu tại Hội nghị COP27 ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập trong tháng tới sẽ gặp trở ngại hơn bất kỳ cuộc đàm phán nào trước đây do nền kinh tế toàn cầu đang bị "chấn động" vì căng thẳng địa chính trị liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry kêu gọi các nước tăng cường hoạt động phối hợp để đối phó với biến đổi khí hậu |
Theo ông Sameh Shoukry, thỏa thuận đạt được tại COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) năm ngoái đã bị lu mờ bởi những sự kiện gần đây, khiến cho việc đi tới một thỏa thuận khí hậu ở COP27 gặp nhiều trở ngại hơn.
Bối cảnh của COP27 đang khá khó khăn so với các sự kiện COP tại Paris (Pháp) hoặc ở Glasgow (Vương quốc Anh) về thách thức và tác động kinh tế cũng như vấn đề địa chính trị. Tuy nhiên, ông Sameh Shoukry khẳng định là nước chủ nhà COP27, Ai Cập luôn giữ hy vọng và sự tập trung; Đồng thời, cố gắng tách tiến trình đàm phán khí hậu khỏi một số vấn đề bên ngoài không liên quan tới biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cảnh báo rằng các nước giàu đang đánh mất lòng tin của thế giới vì họ đang tụt hậu trong các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cung cấp tài chính khí hậu cho các nước nghèo.
Nhà ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh thêm nếu các quốc gia lùi bước hoặc đi chệch hướng so với những cam kết nỗ lực duy trì các thỏa thuận và hiểu biết đã đạt được ở Paris và ở Glasgow, thì thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức trên 2 độ C và có thể lên đến 3,6 độ C, theo những dự báo khoa học gần đây. Ông Shoukry nhấn mạnh, đây là những mâu thuẫn mà thế giới phải nghiêm túc giải quyết.
Một số quốc gia giàu có, bao gồm Anh, Mỹ và các nước thành viên Châu Âu (EU), đã gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá khí đốt toàn cầu tăng vọt. Theo ông Shoukry, việc này đi ngược lại các mục đích trước đây và đặt thế giới vào tình thế nguy hiểm.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho rằng các nước giàu cần phải làm gương trong quá trình chuyển đổi giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Đồng thời, ông nhấn mạnh "khuyến khích tất cả các bên kiềm chế đi thụt lùi vì phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch”.
Những cuộc đàm phán tại COP26 năm ngoái ở Glasgow (Vương quốc Anh) đã kết thúc với việc các quốc gia cam kết hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều đó dựa trên các đánh giá khoa học toàn diện cho rằng nếu vượt quá mức này, tác động của khủng hoảng khí hậu sẽ trở nên thảm khốc hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều không đặt ra được các mục tiêu về cắt giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với giới hạn 1,5 độ C ở Glasgow hoặc đưa ra các chính sách cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu này.
Ông Shoukry cho biết việc các nước phát triển không đạt được mục tiêu giảm phát thải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Ông kêu gọi cần phải duy trì động lực được tạo ra ở Paris và Glasgow bằng cách xây dựng niềm tin nhằm đạt được tiến bộ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Ai Cập cho rằng niềm tin sẽ có được từ việc các nước phát triển thực hiện các cam kết về phát thải và cung cấp tài chính cho những nước nghèo; Đồng thờ, bày tỏ hy vọng tại COP27 các nước không chỉ đưa ra cam kết mà còn thể hiện nỗ lực thực hiện cam kết bằng những hành động cụ thể.
Tại COP27, Ai Cập kỳ vọng sẽ biến các cam kết liên quan đến khí hậu thành hành động để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính độc hại và thích ứng với biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris. Được thông qua tại COP21 bởi hơn 190 quốc gia trong đó có Ai Cập, Thỏa thuận Paris có hiệu lực vào năm 2016 với mục đích hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Kể từ đó, vấn đề tài chính khí hậu luôn được đưa ra thảo luận tại cuộc họp COP, trong bối cảnh các nước phát triển chưa thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5 năm (kể từ năm 2020) nhằm giúp các nước đang phát triển triển khai các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự kiến, trong khuôn khổ COP27 sắp tới, Ai Cập sẽ công bố một loạt các sáng kiến của Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi trong lĩnh vực thực phẩm, nước và năng lượng. |