Chống tham nhũng “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết phát biểu tại phiên họp
Bài liên quan
Tham nhũng vặt tương đối phổ biến, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp
Vào Ban Chấp hành Trung ương không phải để kiếm chức, kiếm quyền
Các cơ quan, đơn vị tiếp dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất
Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp chiều ngày 4/9, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, từ ngày 1/10/2018 đến ngày 317/2019, Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ với 849 bị cáo (tăng 31 vụ so với năm 2018); Xét xử sơ thẩm 240 vụ với 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
Trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 402 bị cáo; Số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ là 103 bị cáo; 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, trong năm 2019, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết công việc để vụ lợi.
Đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Bộ Công an giao cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu điều tra, xác minh 31 vụ án, 27 vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công thụ lý điều tra 1 vụ án.
Báo cáo của Chính phủ ghi nhận một số kết quả nổi bật như: đã đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng; tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 còn chậm so với kết hoạch đề ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt.
Cụ thể như: Trong vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm khác nhau trong việc giải quyết vấn đề dân sự có liên quan đến vụ án; Vụ án Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm xảy ra tại Đà Nẵng, TP.HCM còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng trong việc xác định thiệt hại và áp dụng biện pháp tư pháp; hay việc yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan điều tra trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại PVN hay PVC...
Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao: trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6-2019, cơ quan Thi hành án dân sự các cấp đã thi hành xong 9.454 tỷ đồng trong tổng số 68.856 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số phải thu.
Đáng lưu ý, tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra ở nhiều nơi chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong kỳ, Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố mới 12 vụ với 16 bị can.
Thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác PCTN, nhất là giám sát việc thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN; xây dựng Chương trình sửa đổi Luật Thanh tra nhằm tăng cường thể chế, chính sách cho Ngành thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về PCTN và hoạt động thanh tra phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Chính phủ cũng đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động tố tụng; kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường các biện pháp tương trợ tư pháp quốc tế, dẫn độ tội phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.