Chính phủ ngày càng quan tâm đến sự minh bạch của doanh nghiệp
Nguyễn Thị Kiều Viễn – Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch
Doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do quốc tế với nhiều nước và nhiều nền kinh tế. Khi đã tham gia vào Thương mại Quốc tế như một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tuân thủ luật quốc tế, có nghĩa là quản trị doanh nghiệp được coi là một trong những nội dung quan trọng cần phải thúc đẩy, trong đó Công khai Minh bạch là một trong những yếu tố chính trong quản trị doanh nghiệp. Công khai minh bạch đóng vai trò quan trọng trong việc tạo niềm tin từ các nhà đầu tư cho đến công nhân viên của các doanh nghiệp, đến khách hàng, các nhà cung cấp và các cơ quan phân tích chính sách.
Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 đánh giá thực tiễn công bố thông tin của DN trên 3 khía cạnh: Công khai thông tin về các chương trình PCTN; Minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu; và Công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia.
Chính phủ Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự minh bạch của doanh nghiệp. Luật chứng khoán 2006 yêu cầu các công ty niêm yết (PLC) công bố thông tin bao gồm các báo cáo tài chính đã được kiểm toán và thay đổi quan trọng trong cấu trúc sở hữu của công ty. Luật doanh nghiệp 2014 quy định rằng các doanh nghiệp nhà nước phải phát hành định kỳ các báo cáo tài chính và báo cáo quản trị doanh nghiệp trên trang điện tử của doanh nghiệp.
Đồng thời Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tăng cường Minh bạch và Liêm chính như một công cụ phòng, chống tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng 2012 chú trọng yêu cầu công khai thông tin (về đầu tư, báo cáo tài chính đã kiểm toán…) đối với các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định về việc công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Dự thảo luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đề xuất một nghĩa vụ mới cho các công ty niêm yết và các tổ chức tín dụng, theo đó các công ty này phải xây dựng và triển khai hệ thống tuân thủ nội bộ. Đây là một yêu cầu quan trọng trong bối cảnh có nhiều rủi ro tham nhũng trong kinh doanh ở Việt Nam và việc công khai minh bạch các hệ thống này sẽ tăng cường cam kết của doanh nghiệp về chống hối lộ.
Các thành viên ban nghiên cứu đánh giá bá cáo trả lời trực tiếp các câu hỏi của Hội thảo |
Trên thế giới, việc công khai thông tin tài chính và phi tài chính của các doanh nghiệp được xem là một trong những nỗ lực để cải thiện quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các thông tin phi tài chính bao gồm các chính sách và kết quả thực hiện của doanh nghiệp liên quan đến đạo đức kinh doanh, tác động môi, quyền con người và các vấn đề xã hội. những thông thông tin này giúp các bên liên quan đánh giá được cam kết của doanh nghiệp và việc thực hiện các cam kết ấy. Để thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực này, tổ chức Minh bạch Quốc tế đã thực hiện một loạt các báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp (TRAC) trên toàn cầu kể từ năm 2008.
Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 được thực hiện trên 45 doanh nghiệp lớn nhất lựa chọn từ danh sách bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam 2017. Nhóm doanh nghiệp được khảo sát bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các công ty niêm yết và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. 18 trong số các doanh nghiệp này đã được đánh giá trong báo cáo TRAC Việt Nam 2017. Nhằm mục đích so sánh, báo cáo này có tham chiếu đến kết quả của loạt báo cáo TRAC tương tự của tổ chức Minh bạch Quốc tế, bao gồm Báo cáo đánh giá của các công ty đa quốc gia tại thị trường nổi (2016) và Báo cáo đánh giá các doanh nghiệp lớn nhất thế giới (2014)Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, việc nâng cao tính Minh bạch không chỉ làm giảm khả năng tham nhũng mà còn góp phần thúc đẩy niềm tin vào doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, từ đó tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong bối cảnh này, kỳ vọng được đặt lên vai các doanh nghiệp lớn để trở thành những ví dụ điển hình góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh Liêm chính. Tầm ảnh hưởng của việc doanh nghiệp thực hiện công khai thông tin sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của chính tổ chức doanh nghiệp, ảnh hưởng tích cực tới nhà đầu tư và khách hàng của doanh nghiệp.
Trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 đến ngày 5/6/2018, tất cả 45 doanh nghiệp được khảo sát đã có cơ hội phản hồi về điểm số sơ bộ và cung cấp thông tin bổ sung. Chỉ có 5 doanh nghiệp phản hồi cho tổ chức Hướng tới Minh bạch bằng văn bản. Một số ít doanh nghiệp khác tìm cách giải thích qua điện thoại nhưng không gửi thư chính thức.
Báo cáo đánh giá công khai thông tin về các chương trình PCTN còn rất thấp. Các DN được đánh giá đạt điểm thấp với mức trung bình là 15% trong việc công khai thông tin về các chương trình PCTN. Đặc biệt, hơn 50% các DN trong báo cáo không công khai bất kỳ thông tin nào về khía cạnh này. Trong đó, các DN nhà nước công khai thấp nhất (5%), DN FDI công khai cao nhất (31%).
Nguyên nhân là do pháp luật Việt Nam chưa có quy định yêu cầu DN phải công khai các chương trình PCTN. Mặc dù vậy, các DN FDI có kết quả đánh giá tốt hơn các DN Việt Nam ở khía cạnh nêu trên bởi vì họ phải tuân thủ theo các quy định của công ty mẹ.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh Bạch (TI) tại Việt Nam, cho rằng DN vừa là nạn nhân và cũng là tác nhân gây ra tham nhũng. Kỳ vọng của các bên liên quan (Chính phủ, người dân và chính từ những DN thực hành kinh doanh liêm chính) về vai trò nói chung của các DN trong việc chung tay đẩy lùi tham nhũng cũng ngày càng gia tăng.
Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Thành viên Uỷ ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp quốc |
"Công cuộc phòng chống tham nhũng phải là công cuộc của toàn dân và là công cuộc của tất cả các tổ chức quần chúng trong đó điều quan trọng nhất là phải làm rõ khung pháp luật và sự đóng góp của các Doanh nghiệp" - ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Căn cứ vào kết quả của báo cáo TRAC 2018 tổ chức Hướng tới Minh Bạch có các khuyến nghị:
Đối với các doanh nghiệp:
*Cần xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử và các chính sách phòng, chống tham nhũng, bao gồm đường dây nóng bảo mật cho những người tố cáo.
*Công khai các cam kết của doanh nghiệp về phòng, chống tham nhũng và tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các quốc gia khác nơi doanh nghiệp đang hoạt động.
*Công khai và yêu cầu các nhà cung ứng, nhà phân phối, các bên trung gian và đối tác kinh doanh khác tuân thủ với quy tắc ứng xử và chính sách phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp.
Khuyến nghị Chính phủ:
*Cần đưa ra áp dụng và tăng cường các quy định về chương trình và chính sách phòng, chống tham nhũng cho các doanh nghiệp.
* Đưa ra các quy định về công khai thông tin( kèm theo các biện pháp trừng phạt thích đáng) phù hợp cho các công ty niêm yết, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
* Tăng cường thực thi các quy định về Công khai thông tin doanh nghiệp thông qua giám sát và kiểm tra định kỳ để xác định các doanh nghiệp không tuân thủ.
Khuyến nghị các tổ chức ngoài nhà nước, bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự:
* Cần nâng cao yêu cầu Minh bạch và phòng, chống tham nhũng thông qua nâng cao nhận thức hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các chương trình tuân thủ hiệu quả. các tổ chức này cần vận động sự tham gia các bên liên quan và xã hội trong việc thúc đẩy Minh bạch và Liêm chính doanh nghiệp nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh trong sạch hơn.