Chính phủ đã rất nỗ lực trong điều hành kinh tế - xã hội
Chính phủ xin ý kiến sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương Đề xuất kéo dài chương trình phục hồi kinh tế đến hết năm 2024 |
Ngày 23/10, Quốc hội họp phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bối cảnh từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo.
Ở trong nước, nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; Khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế; Dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương…
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 |
Cùng với đó là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương; Sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; Tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Về kinh tế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 |
Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng.
Bội chi ngân sách Nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội; Đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.
Đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công tác điều hành, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của địa phương, Nhân dân,… tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
"Với quyết tâm, nỗ lực cao Chính phủ đã đạt được nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực", đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá.
Nêu dẫn chứng, đại biểu Hòa cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Trong đó chỉ đạo giảm liên tiếp 4 lần lãi suất điều hành; Miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; Thành lập 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình thực tiễn, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn, động viên, khích lệ kịp thời.
"Mặc dù vẫn còn chỉ tiêu chưa đạt được, tuy nhiên đặt trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận; Thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao của Chính phủ thời gian vừa qua", đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định.
Theo đại biểu Hòa, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt kết quả cao trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.