"Chìa khóa" giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và doanh nghiệp
Chương trình Thương hiệu quốc gia được coi là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử
OCOP - Động lực phát huy sức sáng tạo cho doanh nghiệp và HTX
Hà Nội cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh
Gần 700 gian hàng tham dự LifeStyle Vietnam 2019
Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ đô la Mỹ và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện 2 bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong 15 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, vững chân trên thị trường nội địa và nước ngoài. Đáng chú ý, sức lan toả thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp đã rõ nét hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây. Điều đó thể hiện rõ qua số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng đều qua các thời kỳ. Cụ thể, năm 2008 có 30 doanh nghiệp; năm 2010 có 43 doanh nghiệp; năm 2012 có 54 doanh nghiệp; năm 2014 có 63 doanh nghiệp; năm 2016 có 88 doanh nghiệp và năm 2018 có 97 doanh nghiệp).
Có thể thấy, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng Thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng chiến lược Thương hiệu quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết.
Mặc dù thương hiệu Việt Nam đã giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế nhưng 15 năm qua, rất ít sản phẩm mang thương hiệu Việt, một số thương hiệu định giá còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đang thiếu quyết liệt trong việc xây dựng và quản trị thương hiệu, thậm chí một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa thực sự coi thương hiệu là công cụ để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Để khắc phục những điểm yếu của chương trình Thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu phải chú trọng đến việc bảo vệ thương hiệu của hàng hóa trong quá trình xây dựng Thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đổi mới các làm, phương thức quảng bá Thương hiệu quốc gia nhằm tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt qua đó góp phần tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và giao Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu. Thông qua các hoạt động quảng bá, tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam cũng đã tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.