Châu Á sẽ chiến thắng trong cuộc đua về khởi nghiệp sáng tạo
Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn
Diễn đàn này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”.
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Chu Ngọc Anh cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. Việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới; Đồng thời, tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn |
“Chính phủ Việt Nam xác định doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ tư”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab đánh giá cao việc tổ chức WEF tại Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam, một trong quốc gia phát triển nhanh nhất trong khu vực với nhiều dự án khởi nghiệp năng động, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tiến tới CMCN 4.0 sắp tới. Ông mong rằng đây sẽ là nơi để lãnh đạo những dự án này có thể trao đổi kinh nghiệm, tìm ra hướng đi trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh về vai trò then chốt của giới trẻ như một lực lượng chủ chốt trong thời đại CMCN 4.0 sắp tới.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất, Hội nghị tập trung thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội các quốc gia ASEAN ngày càng trở nên thông minh, hiệu quả hơn.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, CEO MBIC - Yasmin Mahmood, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra rất nhanh chóng. Nếu như trước đây, phải mất đến 25 năm để điện thoại đạt được con số 100 triệu người sử dụng thì điện thoại thông minh chỉ mất có 16 năm để đạt được con số này. Thậm chí trò game Angry Birds chỉ mất có 35 ngày để đạt được con số 50 triệu người dùng.
“Tốc độ phát triển công nghệ hiện nay đang diễn ra nhanh, làm thế nào để các quốc gia có thể sử dụng các yếu tố nội tại để trở thành người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này? Những người chiến thắng sẽ là những người nắm bắt được cơ hội. Vậy trong cuộc CMCN 4.0, các quốc gia cần phải chuẩn bị như thế nào?”, bà Yasmin Mahmood đặt vấn đề.
Ông Rajan Anandan - Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google thì cho rằng: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp tỉ lệ rất lớn vào GDP của khu vực. Họ là lực lượng tạo ra phần lớn công việc cho người dân. Vì vậy, việc đào tạo, phát triển kỹ năng cho nhóm đối tượng này vô cùng quan trọng trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Nhận định về việc ASEAN đã thực sự đón nhận làn sóng của CMCN 4.0 hay chưa, Giáo sư của trường Đại học quản lý Singapore Annie Koh cho rằng, ASEAN đang rất phấn khích với với CMCN 4.0.
“ASEAN chúng ta cần nắm chắc được 4 chữ "I" gồm Identity - bản sắc; Innovation - sáng tạo, theo đó chú trọng tới những tiến bộ về công nghệ; Inclusive- bao trùm, nhấn mạnh tới việc sử dụng công nghệ để lấp đầy khoảng cách số và chữ "I" cuối cùng là Intergration - sự hội nhập, chúng ta cần chăm chỉ hơn, đi đầu về xã hội. Nếu chúng ta có đủ "4 chữ I" này thì ASEAN có thể sẵn sàng đi về tương lai", bà Annie Koh nhấn mạnh.