Chàng kỹ sư K’ho bỏ phố về buôn làng lập nghiệp
Chàng kỹ sư trẻ với những sáng kiến tiền tỷ Những kỹ sư trẻ trên công trình thủy điện quốc gia Bài 16: Hệ thống giám sát, điều khiển tự động của các kỹ sư trẻ |
Mô hình nuôi heo đen sinh thái
Anh K’Brooke, 31 tuổi là người dân tộc thiểu số K’ho tại thôn Lăng Kú, xã Gung Ré, Di Linh, Lâm Đồng. So với nhiều bạn bè cùng trang lứa, anh được xem như người thành đạt ở thôn khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên chuyên ngành Quản lý đất đai và sớm có việc làm ổn định tại Hà Nội.
Anh K’Brooke thành công với mô hình nông nghiệp truyền thống |
Mức lương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng đủ trang trải cuộc sống nhưng anh mong muốn có thể tìm hướng đi mới để phụ giúp gia đình. Đến năm 2016, K’Brooke trở về quê khởi nghiệp theo ý định của mình. Bỏ qua nhiều lời khuyên ngăn từ gia đình, anh đầu tư xây dựng mô hình nuôi heo đen sinh thái. Ý tưởng này của K’Brooke xuất phát từ nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch và những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn nguồn heo đen.
Đầu năm 2017, K’Brooke thành lập tổ hợp tác nuôi heo đen tập trung ở một rẫy cà phê giáp bìa rừng thuộc thôn Bơ Nơm, xã Sơn Điền với số vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng. Tại đây, anh dùng năng lượng của dòng nước suối chảy qua để phát điện thắp sáng và sưởi ấm cho heo con. Chuối rừng, măng tre, lá bép và cây cỏ tự nhiên mọc xung quanh rẫy cũng được anh tận dụng làm thức ăn cho heo.
Tổ hợp tác chăm heo sinh thái của anh K’Brooke có năm thành viên thường trực và trên dưới 10 nhân công theo thời vụ. Anh đầu tư hệ thống máy xén thức ăn cho heo, dùng men vi sinh để ủ thức ăn cũng như xử lý phân và chất thải, sử dụng vaccine để tiêm phòng... Theo anh K’Brooke, việc nuôi heo đen theo dạng sinh thái đem lại sự khác biệt trong chăn nuôi tạo ra một lợi thế cạnh tranh tốt về chất lượng và giá cả.
“Chuồng nuôi nhốt đàn heo chỉ cần rào bên ngoài bằng loại lưới thép B40, sau đó gia cố tránh việc heo đào bới đất thoát ra ngoài. Thức ăn cho heo chủ yếu từ cây chuối, cây cỏ đặc biệt là có nguồn rau rừng dồi dào, không sử dụng kháng sinh cho đến khi xuất bán. Đặc biệt, loại heo này có khả năng chống chịu bệnh tật tốt và thịt săn chắc nên được nhiều người ưa thích”, anh K'Brooke chia sẻ.
Phát triển mô hình nông nghiệp truyền thống
Sau một thời gian chăm sóc, đàn heo trong trang trại của anh K'Brooke bắt đầu sinh sôi và tăng đàn. Với 45 con trong giai đoạn sinh sản, bình quân một năm đàn heo sẽ phát triển thêm ít nhất 300 heo con/hai lứa. Trại sẽ xuất heo hơi từ 15kg trở lên, giá heo hơi trung bình là 100 nghìn đồng/kg. Tổng doanh thu từ trang trại trong một năm khoảng 450 triệu đồng.
Anh K’Brooke chăm sóc đàn heo đen đang trong giai đoạn sinh trưởng |
Ngoài nuôi heo, anh kết hợp trồng thêm cây cà phê dưới tán cây lâm nghiệp để nâng cao doanh thu. Việc canh tác này giảm thiểu tối đa tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Heo được thả rông trên rẫy chẳng những không làm ảnh hưởng đến gốc cà phê mà còn giúp đất tơi xốp, được bổ sung dinh dưỡng thường xuyên.
Có sẵn bãi cỏ rộng trong vườn, anh nuôi thêm dê, gà với số lượng lớn. Phân dê, gà và heo sau đó lại dùng để bón cho cây. Nhờ vậy, năng xuất từ vườn trồng cà phê của anh K'Brooke cũng cao hơn những vườn lân cận. Việc thực hiện mô hình chăn nuôi thuận theo tự nhiên đã cho anh mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với thời gian làm thuê ở Thủ đô.
Anh K’Brooke còn triển khai lập trang website Koho.vn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Thông qua website, anh tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, anh tổ chức liên kết với những người có tay nghề và những nghệ nhân để sản xuất, chế tác những sản phẩm truyền thống. Không chỉ kinh doanh cho riêng mình, anh K’Brooke còn tư vấn, hỗ trợ tận tình cho bất cứ ai có dự định làm nông nghiệp bền vững.
Với những thành tựu đạt được, anh K’Brooke là một trong những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác được Huyện Đoàn tuyên dương. Trong thời gian tới, anh mong muốn sẽ tạo thêm việc làm cho bà con dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy ngành nghề truyền thống ở địa phương.