Chăm sóc đàn vật nuôi, đảm bảo cung ứng đủ nguồn thực phẩm dịp Tết
Đảm bảo nguồn cung ổn định
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện nay, trang trại duy trì ổn định sản xuất với tổng đàn 3.000 lợn giống và 17.000 lợn thương phẩm… Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 200 con lợn thịt. Vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường có thể tăng 10-15% theo nhu cầu tiêu dùng.
Tại Hợp tác xã Chăn nuôi Đồng Tâm (huyện Quốc Oai), theo ông Nguyễn Đình Tường Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hiện nay hợp tác xã đang phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm, duy trì hệ thống chuồng nuôi quy mô mỗi hộ khoảng 300 con lợn.
Mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp 30 tấn sản phẩm thịt lợn và 4-7 tấn sản phẩm giò, chả, xúc xích, tùy thời điểm. Hợp tác xã đang tập trung chăm sóc bảo đảm tổng đàn lợn để cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích theo đơn hợp đồng đã ký từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão.
Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng cường chăm sóc sức khỏe đàn vật nuôi theo hướng an toàn sinh học |
Đánh giá về tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định. Đàn trâu hiện có 28,1 nghìn con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; Đàn bò có 130,3 nghìn con, giảm 0,1%; Đàn lợn hiện có 1,41 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; Đàn gia cầm hiện có 40,1 triệu con, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021; Sản lượng trứng gia cầm đạt 2.030 triệu quả, tăng 5,9%.
“Các trang trại đang tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt, chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, giá thịt lợn hơi xuất chuồng có xu hướng tăng trong quý III-2022 tạo động lực tích cực giúp các hộ yên tâm tái đàn, chuẩn bị nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Tăng cường giám sát, chăm sóc đàn vật nuôi
Từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh… Do đó, cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu, rơm, cỏ xanh, bã sắn, cám gạo, vỏ tôm... để thay thế một phần cho thức ăn công nghiệp. Việc này giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi xuống 10-15%, tăng giá bán ra thị trường.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, các địa phương cần xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh từng vùng, khẩn trương rà soát đàn vật nuôi, các cơ sở sản xuất giống, chăn nuôi trên địa bàn; Đánh giá tình hình chăn nuôi để có kế hoạch tăng đàn, tái đàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi; Sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; Triển khai các kênh theo dõi diễn biến thị trường, tìm hiểu nguồn cung trong nước và thế giới, giúp người dân có kế hoạch sản xuất theo nhu cầu tiêu dùng...
Thành phố Hà Nội đã dự trữ lượng lớn hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán |
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, sẽ tổ chức 2 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn vật nuôi. Cụ thể: Đợt 1 sẽ tổ chức tiêm phòng vào tháng 3, tháng 4; Đợt 2 sẽ tổ chức tiêm phòng vào tháng 9, tháng 10. Bên cạnh đó, hằng tháng sẽ tổ chức tiêm phòng bổ sung cho vật nuôi mới phát sinh, chưa được tiêm phòng hoặc đã hết miễn dịch.
Tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện bắt buộc tiêm phòng; Riêng đối với bệnh dại chó, mèo, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt hơn 90% tổng đàn chó, mèo. Tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đối với các loại vắc xin phải đạt trên 70%.
Ngoài các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định, thành phố yêu cầu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn vật nuôi ngoài đối tượng được hỗ trợ vắc xin của thành phố; Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện nghiêm việc giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng, UBND thành phố yêu cầu duy trì đường dây tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; Củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, bảo đảm giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi.