Chậm công khai thông tin quy hoạch gây sốt ảo đất đai
Phát biểu tại phiên giám sát tối cao về công tác quy hoạch của Quốc hội sáng nay (30/5), đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu được một số tồn tại, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn nhưng trong những nội dung quan trọng chưa được báo cáo rõ với Quốc hội là công tác công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Nhất trí với nhận định của Đoàn giám sát là việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm; Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trong việc thực hiện quy hoạch chưa được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện tốt; Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng phân tích thêm một số quy định trong nội dung này.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hoá) |
Cụ thể, theo đại biểu Hoàn, hiện tại, việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định rất rõ tại Luật đất đai và Luật Quy hoạch. Theo đó, tại Điều 48 Luật Đất đai, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố, công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện. Việc công khai được thực hiện trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo Điều 42 Luật Xây dựng thì Đồ án quy hoạch xây dựng phải được công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch. Đồng thời, theo Điều 40 Luật Quy hoạch thì Quy hoạch phải được đăng tải thường xuyên, liên tục trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức lập quy hoạch…
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Điều này thể hiện tại Nghị quyết số 83 năm 2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy Quốc hội Khóa XIV; Cũng như Chỉ thị 05 ngày 1/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 25/10/2021 của Bộ Xây dựng đã có văn bản số 4363 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử. Theo đó, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Theo thống kê cho thấy, có 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải; 12 địa phương đăng tải họ khi với số lượng rất hạn chế chỉ có 1 đồ án quy hoạch duy nhất…
Ngoài việc công bố công khai thông tin quy hoạch theo yêu cầu của Luật Quy hoạch có lúc, có nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, theo đại biểu Hoàn, nội dung công bố thông tin quy hoạch còn rất hình thức, nhiều nội dung công bố chỉ có quyết định mà không có bản vẽ, đồ án cụ thể; Hoặc nếu có bản vẽ thì dung lượng bản ảnh thấp không thể xem được nội dung.
"Rõ ràng việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng; Theo phản ánh của cử tri thì những gì người dân cần biết, muốn biết thì dù muốn cũng khó có thể tiếp cận. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ thao túng thị trường, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương"- đại biểu đoàn Thanh Hóa nêu.
Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông tin lại chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thấy có báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm trong trường hợp không công bố công khai thông tin quy hoạch.
Do đó, đại biểu đề nghị với Quốc hội, trong dự thảo Nghị quyết giám sát, Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.