Cầu nối kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử
Người dân tham quan, mua sắm tại điểm bán hàng khuyến mại
Trên 1.000 điểm khuyến mại
Với mục đích thúc đẩy phát triển thương mại điện tử gắn với mô hình kinh doanh truyền thống, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng, Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 sẽ được triển khai với chủ đề "Tăng kết nối - Kích cầu tiêu dùng".
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Qua 9 năm triển khai, Tháng khuyến mại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người tiêu dùng. Năm nay, với thông điệp “Tăng kết nối - Kích tiêu dùng”, Tháng khuyến mại Hà Nội một lần nữa khẳng định uy tín của chương trình. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia sẽ tổ chức nhiều hoạt động tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao. Điểm mới đầu tiên và cũng là khâu đột phá của Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 không chỉ có doanh nghiệp bán lẻ tham gia mà còn có một lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, y tế, giáo dục, ngân hàng... góp mặt cung cấp dịch vụ, hàng hóa”.
Đặc biệt, Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 có sự đổi mới về chất lượng, quy mô và giá trị hàng hóa khuyến mại theo quy định tại Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/7/2018. Mức khuyến mại của các doanh nghiệp tham gia Tháng khuyến mại được nâng lên tối đa 100% giá trị sản phẩm, hàng hóa, thay vì 50% khi doanh nghiệp tự đăng ký tổ chức.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho biết thêm: “Để kỷ niệm 10 năm tổ chức Tháng khuyến mại, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức “Tuần vàng kết nối” với 100 điểm vàng, qua đó kết nối các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công Thương) tổ chức sự kiện “Ngày thứ sáu vàng”. Tại sự kiện, các doanh nghiệp sẽ bán hàng trực tuyến trên cổng kết nối www.onlinefriday.vn và www.thangkhuyenmaihanoi.vn với các chương trình giảm giá từ 50% trở lên.
Không chỉ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử gắn với mô hình kinh doanh truyền thống, Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 còn là cơ hội để người tiêu dùng Thủ đô tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin trong mua bán và sử dụng các dịch vụ. Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 sẽ có sự tham gia sâu hơn của các hệ thống các ngân hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử và các doanh nghiệp lĩnh vực vận chuyển nhằm gia tăng lợi ích, thúc đẩy hành vi mua sắm của người tiêu dùng thông qua các chương trình mua sắm online, các chương trình ưu đãi hoàn tiền khi thanh toán qua thẻ ngân hàng, sử dụng các dịch vụ vận chuyển...
Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 sẽ bao gồm những chương trình chính như: Lễ khai mạc Tháng khuyến mại Hà Nội và Lễ công bố kết quả bình chọn Chương trình "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích nhất"; sự kiện "Ngày hội khuyến mại du lịch"; "Tuần vàng kết nối"; "Hội chợ vàng khuyến mại"; "Ngày thứ sáu vàng - Golden Friday" và được kết nối với sự kiện "Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday".
Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp
Bên cạnh việc tổ chức các điểm mua hàng khuyến mại tại khu vực nội thành, thời gian qua, các ban, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 3.000 đợt bán hàng ở nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên địa bàn cả nước. Đây được xem là hoạt động thường niên, mang lại hiệu quả rõ nét.
Liên quan đến hoạt động đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, KCN trên cả nước, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc BigC khu vực phía Bắc chia sẻ: Thời gian qua, BigC đã tổ chức nhiều buổi bán hàng lưu động tại các khu vực tập trung nhiều KCN như: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Hàng hóa đưa về khu vực này chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng. BigC cũng song song tổ chức các chương trình giảm giá, tặng quà nên thu hút rất đông công nhân đến mua sắm.
Cũng với phương châm phục vụ bà con nhân dân khu vực ngoại thành và công nhân đang làm việc tại các KCN, KCX, mỗi năm Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội tổ chức tối thiểu 10 đến 12 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, KCN trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong chương trình, 100% hàng hóa được bán cho người tiêu dùng với giá gốc. Người tiêu dùng còn được hỗ trợ thêm từ các chương trình khuyến mãi như tặng quà kèm theo, tích điểm… “Do bán giá gốc nên các chương trình không mang lại lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, xác định đây là hoạt động ý nghĩa, đồng thời góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp nên Co.op luôn chú trọng triển khai. Từ các hoạt động đó, người tiêu dùng là công nhân cũng biết đến và ưu tiên hơn trong sử dụng hàng hóa Việt Nam tại hệ thống Co.op Mart”, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội nhấn mạnh.
Xác định không thể triển khai các phiên chợ hàng Việt về KCN lâu dài nên thời gian qua, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc đẩy mạnh đưa hàng Việt về KCN, KCX theo ba hình thức gồm: Xây dựng điểm bán hàng Việt Nam gần các KCN; tổ chức các đợt bán hàng giảm giá cho công đoàn viên; hỗ trợ kết nối đưa hàng hóa trực tiếp đến các KCN theo đơn hàng của công đoàn đứng ra tổ chức mua và phân phối.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: "Đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được sự hưởng ứng của các địa phương và doanh nghiệp. Ngay trong Tháng Công nhân năm 2018 (tháng 5/2018), Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã triển khai chương trình khuyến mại giảm giá 3% tổng giá trị toàn bộ đơn hàng cho người mua có thẻ đoàn viên công đoàn tại chuỗi siêu thị, cửa hàng Hapromart, Haprofood tại Hà Nội. Tập đoàn Dệt may Việt Nam áp dụng chương trình giảm giá bán trực tiếp trên sản phẩm may mặc cho người lao động tại các hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của đơn vị, tại các hệ thống đại lý vào đúng dịp Tháng Công nhân… Đây sẽ là hoạt động sẽ được kéo dài trong Tháng Công nhân những năm tới".
Đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Để nâng cao ý thức tiêu dùng hàng hóa Việt, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong nước. Hằng năm, Tổng Liên đoàn đều có văn bản gửi tới các cấp công đoàn, vận động đoàn viên công đoàn ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam, vì ủng hộ hàng Việt chính là thêm cơ hội củng cố việc làm của chính công nhân.
Trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, đã có 104 điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng. Trong đó nhiều điểm được thiết lập tại khu vực có nhiều KCN, KCX của Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Bình Dương... Sau khi triển khai, các điểm bán này vẫn duy trì được doanh thu cao, khách hàng đông đảo. Điều này cho thấy việc xây dựng các điểm bán hàng tại các KCN là việc làm đúng đắn, đáp ứng nhu cầu của công nhân, mở thêm thị trường cho các doanh nghiệp Việt.