Cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương răng do tai nạn giao thông
Người bệnh đến khám với tình trạng chấn thương răng cửa hàm trên: R21 sau tai nạn giao thông răng bị rơi khỏi huyệt ổ răng ra ngoài.
Đây là trường hợp cấp cứu đủ tiêu chuẩn tiến hành cắm lại răng do đó bệnh nhân đã được nhanh chóng tiến hành làm phẫu thuật cắm lại răng, cố định bằng chỉ thép và vật liệu composite.
Hình ảnh sau khi bệnh nhân được xử trí thành công. |
Sau xử trí bệnh nhân ổn định, răng cửa rơi được cố định chắc chắn và được hướng dẫn theo dõi, khám lại theo hẹn. Việc cắm lại răng bị rơi lại vào huyệt ổ răng giúp bệnh nhân bảo tồn được răng thật của mình, đảm bảo chức năng thẩm mỹ và ăn nhai.
Chấn thương răng có thể gặp trong tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông hay tai nạn lao động. Sơ cứu chấn thương răng thế nào để giảm thiểu tác hại lâu dài là kiến thức đơn giản mà mỗi người cần biết. Sau khi xảy ra chấn thương cần sơ cứu đúng và cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo, sơ cứu chấn thương răng đối với răng vĩnh viễn khi bị rơi ra mọi người cần lưu ý nhưng việc sau: Tìm lại răng; Chỉ cầm vào thân răng (vùng nhẵn, bóng), không chạm vào vùng chân răng (kể cả trong lúc rửa răng).
Việc cắm lại răng ngay tại hiện trường tai nạn nếu có thể: Trước hết cần rửa răng nhẹ nhàng bằng sữa tươi không đường, nước muối sinh lý hoặc thậm chí dùng ngay nước bọt của bệnh nhân (không sử dụng nước máy); Cắm răng nhẹ nhàng vào huyệt ổ rang.
Nếu không thể cắm lại răng: Tuyệt đối không để răng khô, ngâm ngay vào sữa tươi không đường, nước muối sinh lý hoặc nước bọt của bệnh nhân
Đồng thời, người nhà lưu ý cho bệnh nhân cắn gạc hoặc khăn tay sạch giữa hai hàm tại vị trí răng bị tổn thương và đến cơ sở y tế ngay lập tức.