Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền qua điện thoại
Tài liệu cơ quan công an thu được trong một vụ lừa đảo chuyển tiền qua điện thoại diễn ra gần đây
Bài liên quan
Người Trung Quốc cầm đầu đường dây lừa đảo qua điện thoại internet sa lưới
Phá mắt xích trong đường dây giả công an lừa đảo qua điện thoại
Bộ TT&TT đã gửi tin nhắn đến người dân khuyến cáo không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.
Tin nhắn cũng khẳng định, nếu gặp hiện tượng trên, đề nghị người dân trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.
Mới đây, tháng 12/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM thụ lý, điều tra vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.
Theo đó, khoảng tháng 2/2019, bà Trương Mỹ P (SN 1981, ở Quận 11) bị một người lạ gọi điện giả danh là nhân viên bưu điện, công an thông báo có liên quan đến đường dây mua bán ma túy. Sau đó, người này yêu cầu bà P chuyển tiền vào số tài khoản "lạ" để xác minh.
Lo sợ, bà P đã chuyển tổng cộng hơn 3,2 tỷ đồng vào 3 số tài khoản lần lượt mang tên Đặng Đình Mạnh, Lỡ Phước Lĩnh và Nguyễn Quý Sang. Khi biết mình bị lừa, bà P đã đến công an tố giác.
Trước đó, tháng 11/2019, trên trang web chính thức, Bộ Công an đã thông báo tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc điện thoại mạo danh cơ quan chức năng (Công an, Viện Kiểm sát…) để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhân dân trên địa bàn TP HCM có diễn biến phức tạp.
Cụ thể, Công an TP HCM đã nhận thấy các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng một số thủ đoạn như: Lừa khách hàng tự chuyển tiền bằng cách giả mạo cơ quan điều tra, thông báo trúng thưởng hay người thân vay tiền; đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng như yêu cầu cung cấp thông tin hay qua webiste lừa đảo; sử dụng các cuộc gọi điện thoại giả danh cơ quan nhà nước; sử dụng phần mềm công nghệ cao giả số điện thoại...
Thông báo của Bộ Công an cũng khẳng định, người dân cần giữ bí mật các thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch, kiểm tra website khi giao dịch trực tuyến, hạn chế sử dụng Wifi công cộng.
“Khi phát hiện tài khoản, thẻ phát sinh những giao dịch gian lận hoặc có vướng mắc, phải gọi liên lạc ngay số hotline ngân hàng liên quan, đồng thời tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể”, thông báo của Bộ Công an nhấn mạnh.
Với đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao, điện thoại mạo danh cơ quan chức năng đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân nên nâng cao kiến thức về loại tội phạm này, tuyệt đối không cung cấp thông tin về thẻ ngân hàng, số tài khoản, thông tin internet banking với các đối tượng trên mạng. Ngoài ra, không có việc điều tra viên, lực lượng công an gọi điện thoại thông báo như hình thức trên.
Nếu gặp phải các đối tượng này, người dân cần báo cho người thân trong gia đình và cơ quan công an. Bình tĩnh hơn, người dân có thể ghi lại thông tin của các đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... để cung cấp cho lực lượng chức năng điều tra truy bắt các đối tượng lừa đảo