Cảnh báo từ việc chế tạo, sử dụng trái phép pháo nổ dịp Tết
Lực lượng công an bắt giữ đường dây mua bán, tàng trữ trái phép pháo nổ các loại trước Tết 2023 (Ảnh: CAĐN) |
“Chợ pháo” online
Chỉ cần lên mạng Facebook gõ chữ “Pháo Tết” thì hàng loạt thông tin, hình ảnh là các loại pháo xuất hiện với những lời quảng cáo như “Pháo chơi Tết 2023”, “Pháo Tết 2023 uy tín - Không cọc - uy tín - chất lượng”… Khách chỉ cần để loại lời nhắn hoặc inbox là có thể "chốt hàng" thành công.
Có những địa chỉ Facebook bán pháo hoa đăng số điện thoại Zalo hay cả số điện thoại để giao dịch như 079941.... Nhiều loại pháo được chào mời, đa mẫu mã, hình thức và công năng sử dụng. Trong đó có cả pháo nổ và pháo hoa, có loại giá lên đến tiền triệu.
Có thể thấy, hiện nay, tình trạng mua bán pháo nổ đang tràn lan trên mạng xã hội, diễn biến rất phức tạp cho dù đó là mặt hàng cấm. Một số đối tượng còn không ngần ngại quay video clip cận cảnh, có đối tượng còn trực tiếp đốt pháo để quảng cáo sản phẩm.
Thậm chí, bất chấp nhưng cảnh báo, gần Tết, nhiều thanh thiếu niên vẫn mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường.
Trước thực trạng này, Bộ Công an nói chung và Công an TP Đà Nẵng nói riêng cùng các lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn.
Trong đó, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ yêu cầu Trưởng Công an các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc. Qua đó, Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo.
Từ ngày 15/11/2022 đến ngày 18/1/2023, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã đấu tranh, bắt giữ 3 vụ, 03 đối tượng có hành vi vi phạm về pháo, thu giữ 136 giàn phun viên, hiện các vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Để đón một năm mới an toàn, bình yên
Trước đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân trong việc sử dụng pháo dịp Tết, cần phân biệt rõ ràng giữa pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực từ ngày 11/01/2021). Đặc biệt, người dân không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán pháo trái phép.
Đối với pháo nổ (bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ), đây là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ. Các loại này bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao theo quy định.
Một số quy định về sử dụng pháo hoa |
Còn đối với pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng. Với loại này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi...
Để tránh vướng lao lý hoặc xảy ra sự cố liên quan đến các loại pháo trái phép, Bộ Công an khuyến cáo mọi người không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp được cho phép).
Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, người dân chú ý khi dùng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, sử dụng khi được phép, bảo đảm an toàn và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định. Việc người dân mua các loại không nổ để sử dụng cũng phải mua ở các địa điểm, cơ sở do nhà nước quy định.
Theo Bộ Công an, nếu người dân phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.