Cảnh báo lợi dụng quà biếu tặng để nhập lậu thuốc điều trị Covid-19
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hiện nay, do dịch bệnh phức tạp, nhu cầu thuốc điều trị Covid-19 trong nước tăng cao, điều này cũng làm gia tăng nguy cơ buôn lậu, đặc biệt là việc các đối tượng lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng để nhập lậu thuốc.
Nguy hiểm hơn, có đối tượng đã làm giả, hoặc buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng thuốc giả chữa trị khi bị nhiễm Covid-19. Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các lô hàng thuốc được quảng cáo có thể điều trị Covid-19 nhập lậu.
Đơn cử, ngày 14/9, tại một kho hàng tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, lực lượng hải quan và công an đã phối hợp kiểm tra đồng loạt 15 kiện hàng có dấu hiệu vi phạm gồm hơn 60.000 viên thuốc được dùng hỗ trợ điều trị Covid-19 như Favipiravir Tablets 200mg, Favipiravir Tablets Fabiflu 400mg, Baricitinib và Molnupiravir Capsules...
Trong vụ việc này, các đối tượng không vận chuyển trực tiếp lô hàng từ Ấn Độ về Hà Nội mà chuyển về sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) sau đó chuyển tiếp ra sân bay Nội Bài trên một chuyến bay nội địa.
Lực lượng chống buôn lậu của hải quan kiểm tra hàng hóa là thuốc điều trị Covid-19 có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh: TCHQ) |
Ngoài ra, tinh vi hơn là việc các đối tượng còn sử dụng chiêu thức chia nhỏ lô hàng và khai báo dưới hình thức quà biếu, quà tặng để nhập lậu số lượng lớn hoặc khai báo sai tên hàng.
Trước đó, giữa tháng 8/2021, tại một kho hàng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa thuộc 2 tờ khai có dấu hiệu nghi vấn.
Hàng hóa được vận chuyển trên chuyến bay từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài và mở tờ khai nhập khẩu trong các ngày 13/8 và 15/8. Theo khai báo hải quan, hàng hóa là hàng mẫu và thực phẩm bổ sung. Trong đó một tờ khai được mở theo loại hình phi mậu dịch, một tờ khai mở theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lực lượng hải quan thu giữ gần 1.500 hộp thuốc Favipiravir Tablets, đây là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện nhưng thời điểm kiểm tra không có giấy tờ theo quy định.
Doanh nghiệp đứng tên trên tờ khai nhập khẩu là Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Nhất Quang có trụ sở tại TP Nam Định (tỉnh Nam Định). Đáng chú ý, thời điểm mở tờ khai nhập khẩu, doanh nghiệp này mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định cấp giấy phép đăng ký kinh doanh chưa đầy một tháng.
Trước tình trạng trên, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến vận chuyển hàng hóa từ nước có rủi ro cao để đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới lợi dụng đưa các mặt hàng thuốc nêu trên về Việt Nam tiêu thụ.
Đồng thời, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đề nghị phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thuốc điều trị nhiễm Covid-19 giả. Mặt khác, Bộ Y tế cần công khai các tổ chức được phép nhập khẩu các mặt hàng thuốc hỗ trợ để điều trị cho người bệnh bị nhiễm Covid-19.