Cảnh báo hàng ngoại mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi
Bộ Công thương cảnh báo hàng ngoại mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi
Bài liên quan
Thủ tướng thăm Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao
Giá cả hàng hóa trong Tết ít biến động, sau Tết tăng khá mạnh
Giao dịch thẻ và ngân hàng điện tử an toàn dịp Tết
Theo Cục Xuất nhập khẩu, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
Thậm chí, có trường hợp thương nhân không cố tình gian lận, nhưng quan niệm của thương nhân về vấn đề này còn đơn giản, không nhận thức hết những ảnh hưởng to lớn đối với nền sản xuất quốc gia. Hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Hơn nữa, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định dẫn trên quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, các quy định được đề cập tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và các Thông tư liên quan. Theo quy định tại các văn bản nêu trên, một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm nếu sản phẩm đó có nguồn gốc địa lý, danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của vùng lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó. Đây là quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một sản phẩm cụ thể từ một vùng lãnh thổ xác định, không quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung.
Về thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 984/QĐ-BCT ngày 6/3/2012 kèm theo quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia. Quyết định số 984/QĐ-BCT nêu trên có tiêu chí để hàng hóa được gắn mác “Viet Nam Value” (Giá trị Việt Nam) nhằm quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Với sự ra đời của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 trước kia), Việt Nam đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa. Quy định hiện hành là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế. Trên cơ sở cam kết quốc tế và Luật Quản lý ngoại thương, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nêu trên với phạm vi điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không điều chỉnh về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa.
Theo mục tiêu quản lý nhà nước đặc thù của các Bộ ngành, các văn bản nêu trên tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam. Quy định hiện hành chưa có bộ tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.
Xuất phát từ thực tiễn trên, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Qua trao đổi giữa Bộ Công thương với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số Hiệp hội ngành hàng, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai.
Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dần được hình thành trong nhận thức xã hội, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo hộ ngành sản xuất và xây dựng thương hiệu như thực phẩm, dệt may, giày dép...
"Hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Viet Nam" đang là một nhu cầu cấp bách. Hy vọng với sự ra đời của khung pháp lý về vấn đề này, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ tự tin hơn nữa khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.