Cần xử lý nghiêm những kẻ kinh doanh, tái chế bao cao su đã qua sử dụng
Trung Quốc: Công ty thưởng Tết Nguyên đán to bằng... bao cao su Nguy cơ dị ứng, vô sinh từ bao cao su giả |
Tổng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cho biết, ngày 19/9 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 4 (trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất khu nhà trọ ở phường Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) phát hiện, bắt quả tang bà Phạm Thị Thanh Ngọc (33 tuổi) đang gia công tái chế khoảng 324.000 bao cao su đã qua sử dụng.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phát hiện hàng trăm chiếc bao cao su đã qua sử dụng đang được tái chế lại |
Đáng chú ý, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Đặc biệt, bà này còn khai nhận, cứ khoảng 30 ngày/1 lần lại nhận bao cao su đã qua sử dụng từ một người không rõ địa chỉ để súc rửa, phơi khô, phân loại và vuốt lại, tạo hình như mới; sau đó, giao hàng đã gia công cùng ngày với nhận hàng gia công.
Thông tin vụ việc 324.000 bao cao su đã qua sử dụng được tái chế ngay lập tức khiến dư luận lo lắng về tác hại của những chiếc bao cao su này.
Thông tin vụ việc 324.000 bao cao su đã qua sử dụng được tái chế, gây bức xúc dư luận |
Trao đổi với PV, xung quanh tác hại của việc bao cao su đã qua sử dụng được tái chế, một số y bác sĩ phụ trách phòng chống bệnh truyền nhiễm cho rằng: Đây là vụ việc rất nghiêm trọng.
Theo các bác sĩ, tác dụng của việc sử dụng bao cao su là để phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục và kế hoạch hóa gia đình. Sử dụng những chiếc bao cao su tái chế, đã qua sử dụng không chỉ làm mất đi những tác dụng vốn có mà còn có nguy cơ lây lan bệnh tật.
Người sử dụng những chiếc bao cao su tái chế này có nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục, bởi không thể biết người sử dụng trước đó có bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục hay không. Do đó, sử dụng những bao cao su này sẽ làm gia tăng các nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục như: HIV, giang mai, lậu hoặc một số bệnh lý nhiễm trùng.
Đặc biệt, những chiếc bao cao su tái chế này không có tác dụng trong việc kế hoạch hóa gia đình, bởi có thể trước đó những bao cao su này đã không còn nguyên vẹn.
"Thậm chí, sử dụng những chiếc bao cao su đã tái chế này có thể làm tăng nguy cơ ung thư đường tình dục, bởi những thành phần ngâm hóa chất hoặc có thể cao su biến đổi sẽ giải phóng ra các hóa chất độc hại", một bác sĩ dịch tễ chia sẻ.
Bên cạnh đó, vị bác sĩ cũng cho rằng, đây là vụ việc gây ra tiền lệ xấu, là hành vi đáng lên án bởi cung cấp ra thị trường những sản phẩm thiếu an toàn.
Luật sư Diệp Năng Bình đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng thu gom, tái chế bao cao su đã qua sử dụng để kiếm lời |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) lên án việc tái chế sử dụng bao cao su cũng như các sản phẩm khác đã qua sử dụng. Luật sư Bình cho rằng phải xử lý nghiêm những kẻ vì lợi ích bản thân mà bấp chấp pháp luật, bất chấp đạo lý.
"Đây là tội ác bởi bao cao su vốn được xem là rác thải không tái sử dụng, vậy mà những người này vì đồng tiền bất chấp tất cả. Nếu số bao cao su này có các mầm bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng thì hậu quả sẽ như thế nào?
Việc một số cá nhân, tổ chức nhặt, gom bao cao su đã qua sử dụng để bán lại là hành vi vi phạm đạo đức, đồng thời đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Không thể bất chấp mạng sống của mọi người chỉ vì tiền, kinh doanh trên tính mạng của rất nhiều người, cần loại bỏ và có biện pháp nghiêm trị", luật sư Bình bày tỏ.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi này có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự nếu số tiền chiếm đoạt được từ 2 triệu đồng trở lên.
"Trong trường hợp số tiền chiếm đoạt do hành vi gian dối này dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cơ quan chức năng tịch thu tiền do phạm tội mà có.
Nếu tổ chức, cá nhân biết rõ loại bao cao su này đã qua sử dụng, không đảm bảo chất lượng an toàn mà bán cho người khác thì tùy vào hành vi cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Mua bán hàng giả hoặc tội Lừa dối người tiêu dùng.
Trường hợp bao cao su đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng giả.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối người tiêu dùng (nếu hành vi lừa dối khách hàng chiếm đoạt từ 5 triệu đồng trở lên).
Đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS, cơ quan điều tra cần giám định có chứa dịch bệnh hay không? Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu quả làm cho người khác bị lây dịch bệnh.