Cần xử lý hình sự đối tượng khai báo y tế gian dối, không chấp hành cách ly để phòng dịch Covid-19
Cô gái về từ vùng dịch Hàn Quốc rồi livestream khoe “trốn cách ly” phòng dịch Covid-19 khiến dư luận phản ứng gay gắt
Bài liên quan
Người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 phải làm gì để được miễn, giảm lãi vay ngân hàng?
Đăng "hoang tin" về dịch Covid-19 lên mạng xã hội, thiếu nữ vùng cao bị xử lý
Thông tin kịp thời chính xác sẽ đẩy lùi tin “độc” hại, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19
Tiếp tục phát hiện thêm ca bệnh là hành khách cùng chuyến bay với nữ tiếp viên đã mắc Covid-19
Những ngày qua dư luận không khỏi bức xúc trước việc một số trường hợp khai báo gian dối, trốn tránh không đi cách ly để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lây lan ra cộng đồng như: Cô gái tên N.T.T (ở Bình Dương) trở về Việt Nam từ Daegu (Hàn Quốc) không khai báo thành thật, trốn cách ly nhưng về nhà lại livestream trên mạng xã hội để "khoe trốn cách ly thành công".
Ca nhiễm số 17, lịch trình có đi qua vùng dịch ở châu Âu nhưng khi nhập cảnh lại không khai báo y tế, sử dụng 2 hộ chiếu để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Việc làm này đã dẫn tới hậu quả khôn lường, nhiều người lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 sau khi tiếp xúc với bệnh nhân này. Không chỉ những người có thể tạm gọi “non dại”, thiếu hiểu biết mà ngay cả một số người có ảnh hưởng xã hội, có vai trò, địa vị nhất định cũng bị “tố” không tự giác chấp hành đi cách ly.
Tình trạng khai báo không chính xác khiến công tác xác minh người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc với người tiếp xúc (F1, F2, F3) gặp nhiều khó khăn, lực lượng công an đã mất nhiều thời gian để xác minh. Hành vi gian dối, thiếu trung thực khiến dư luận nhân dân bức xúc, đề nghị phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về những hành vi trên có bị xử lý theo quy định của pháp luật? Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định công bố dịch.
Dịch Covid-19 được Bộ Y tế đánh giá là nguy hiểm và bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Điều 1, Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 29/1/2020.
Điểm a, khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo công bố của Bộ Y tế, tính đến 21h30 ngày 15/3/2020, nước ta đã có 57 ca dương tính với Covid-19, trong đó 16 người đã chữa khỏi bệnh và được ra viện. Tất cả đều do nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam.
Vì vậy luật sư Thơm cho rằng, người về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế, khai báo không trung thực là hành vi cần bị xử nghiêm. Khai báo y tế sau khi nhập cảnh là bắt buộc để phục vụ phòng chống dịch. Điều này đòi hỏi sự tự giác của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng.
“Khai báo y tế trung thực giúp phát hiện sớm, cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời nếu có ca bệnh, từ đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Cá nhân nào khai báo gian dối khi nhập cảnh, không chấp hành việc cách ly mà cố tình né tránh các quy định phòng dịch thì cần xử lý nghiêm minh.
Nếu người nào không khai báo mà có kết quả xét nghiệm dương tính, làm lây nhiễm bệnh cho người khác thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 240, Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác”, Luật sư Thơm nói.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích vụ việc các đối tượng khai báo y tế gian dối, trốn cách ly phòng, chống dịch Covid-19 |
Bên cạnh việc phân tích, nêu quan điểm về xử lý các đối tượng không khai báo y tế, khai báo gian dối hoặc không chấp hành việc cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần thông tin về nhân thân người nhiễm bệnh, lịch trình sinh hoạt tiếp xúc với những ai để người dân biết phòng dịch.
Luật sư Thơm viện dẫn, Điều 32, 38 Bộ luật Dân sự quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, Luật Dân sự cũng quy định được phép sử dụng hình ảnh cá nhân, công khai thông tin liên quan đời sống riêng tư vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin cá nhân tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Những thông tin, hình ảnh mang tính tiêu cực như kỳ thị người nhiễm bệnh, xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân, gia đình và công việc…
“Do đó, việc các cơ quan chức năng thông tin về nhân thân người nhiễm bệnh, lịch trình sinh hoạt tiếp xúc với những ai là cần thiết trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang có sự lây lan trong cộng đồng. Các thông tin này không mang tính tiêu cực mà vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trường hợp nếu không công khai thông tin người nhiễm bệnh, lịch trình sinh hoạt, tiếp xúc với những ai để người dân chủ động phòng chống, khai báo, cách ly thì việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn.
Thực tế, thời gian vừa qua, Việt Nam đã thành công bước đầu ngăn chặn dịch bệnh chính là có sự minh bạch trong việc công khai thông tin người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc để có biện pháp ngăn chặn, hạn chế sự lây lan ra cộng đồng”, luật sư Nguyễn Anh Thơm kiến nghị.
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 2 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.