Cần giải "bài toán" tổng thể về chính sách học phí giáo dục phổ thông
Chinh sách học phí luôn có ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội tới trường của các em học sinh thuộc diện khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa) |
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành liên quan đến chính sách giáo dục.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ thực hiện chính sách học phí đối với bậc học mầm non, giáo dục phổ thông công lập phải được đánh giá kỹ tác động, giải "bài toán" tổng thể về các nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế; Nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) với vai trò chủ đạo của Nhà nước.
Chính sách học phí cần phù hợp khả năng đóng góp, chi trả của người dân
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập là vấn đề có tác động xã hội rất lớn. Vì vậy, việc này phải được tính toán, triển khai một cách căn cơ, bài bản, tổng thể, trên tinh thần nhân văn; Không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của những đối tượng chính sách; cơ hội tới trường của các học sinh thuộc diện khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhấn mạnh về vấn đề này, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kỹ tác động để có chính sách học phí bảo đảm phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của người dân; Đồng thời, phải có các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng khó khăn, yếu thế để bảo đảm phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mục tiêu về giáo dục của Đảng, Nhà nước.
Theo đó, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục không giảm nhưng không cào bằng, dàn trải. Ở những địa bàn thuận lợi cần thúc đẩy tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa; Ngân sách Nhà nước tập trung cho học sinh thuộc diện chính sách, khó khăn, yếu thế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành liên quan, về chính sách học phí, sách giáo khoa cho năm học mới (Ảnh: VGP) |
Không thay đổi mục tiêu thực hiện phổ cập giáo dục
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu "không làm thay đổi mục tiêu thực hiện phổ cập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở" và nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản cho 100% học sinh mầm non, giáo dục phổ thông. Đây là chủ trương hết sức nhân văn, thể hiện tính ưu việt của chế độ.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán nguồn ngân sách dành cho giáo dục từ các chương trình mục tiêu quốc gia (xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…); Ngân sách tiết kiệm được khi thực hiện tự chủ đối với những cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở địa bàn có điều kiện thuận lợi trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí.
Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cụ thể về nguồn ngân sách Nhà nước cấp bù phần học phí tăng thêm của mầm non, giáo dục phổ thông công lập cho các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế.
Trên thực tế hầu hết học sinh thuộc diện khó khăn, yếu thế đang sinh sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý cần dành nguồn lực để bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho đội ngũ giáo viên tại các khu vực này ngang bằng với mức trung bình cả nước, theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí như các trường mầm non, giáo dục công lập thực hiện tự chủ.
Ngoài ra, đối với học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần sửa đổi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để có lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp.
Các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn, giảm học phí, bố trí kinh phí dành cho giáo dục đại học, nghề nghiệp từ các chương trình mục tiêu quốc gia); Tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên… để không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế và dễ bị tổn thương.
Các Bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế "đặt hàng" cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… phục vụ phát triển.