Tăng học phí, tăng nỗi lo với sinh viên nghèo
Trong bối cảnh các trường phải tự chủ và giá cả thị trường tăng, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, việc tăng học phí đại học là "tất yếu". Câu chuyện tăng học phí đồng thời tăng thêm nỗi lo với những sinh viên nghèo ngoại tỉnh…
Học phí tăng từ 10 - 20%
Sau 2 năm không tăng học phí do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trường đại học, học viện dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023-2024. Cơ sở pháp lí để các trường thực hiện là Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng học phí, tăng nỗi lo với sinh viên nghèo |
Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, năm 2022 - 2023, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học trước ở tất cả cấp học từ mầm non đến đại học. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 quy định tại Nghị định 81.
Ở năm học 2023 - 2024, nhiều cơ sở giáo dục điều chỉnh mức tăng học phí. Theo đó, đối với chương trình đại trà, chương trình chuẩn, học phí sẽ được điều chỉnh theo từng năm theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, tức là tăng theo từng năm, theo lộ trình. Do đó, càng những năm sau thì học phí đại học sẽ càng tăng.
Học viện Tài chính dự kiến áp dụng mức học phí mới cho tân sinh viên năm 2023 - 2024 từ 22 - 24 triệu đồng với các ngành đào tạo theo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với năm học trước). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu đồng.
Năm 2022 và 2023, trường Đại học Điện lực không tăng học phí theo quy định của Chính phủ nhằm hỗ trợ sinh viên, phụ huynh hoàn cảnh khó khăn. Trường ổn định mức thu 14 triệu đồng/năm học với các ngành đào tạo hệ chính quy khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ lần lượt gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến học phí hệ đại trà 500.000 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên 2023 - 2024 (tăng 60.000 đồng/tín chỉ so với năm trước). Tương tự, hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu đồng.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.
Nhiều cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố mức tăng học phí. Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) dự kiến thu mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Mức thu này tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước. Được biết, mức học phí dự kiến cao nhất của trường lên đến hơn 800 triệu đồng/năm đối với chương trình chuyển tiếp quốc tế.
Trường Đại học Ngân hàng TP HCM dự kiến mức học phí năm học 2023 - 2024 là 7.050.000 đồng/học kỳ (tăng 800.000 đồng so với năm trước). Với chương trình đại học chính quy chất lượng cao dự kiến mức học phí rơi vào khoảng hơn 18 triệu đồng/học kỳ.
Tăng gánh nặng với sinh viên ngoại tỉnh
Trong bối cảnh các trường phải tự chủ và giá cả thị trường tăng, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, việc tăng học phí đại học là "tất yếu". Song, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để đáp ứng 4 năm học đại học cho con. Đặc biệt, với những sinh viên ngoại tỉnh lên học tại các thành phố lớn, ngoài học phí, còn phải chi trả các khoản sinh hoạt phí hàng tháng.
Bày tỏ nỗi lo lắng, băn khoăn trước thông tin nhiều trường đại học đang chuẩn bị tăng học phí, em Nguyễn Thị Thanh Trà (Ý Yên, Nam Định) chia sẻ: “Em ấp ủ giấc mơ trở thành sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên, em đang cân nhắc lựa chọn một trường khác top dưới có mức học phí thấp hơn. Hoàn cảnh kinh tế gia đình em chẳng mấy dư dả nên nếu học phí cao, chi phí sinh hoạt ở thành phố lại đắt đỏ, em sợ mình không thể theo được”.
Học phí tăng không chỉ là nỗi lo của Thanh Trà mà còn là gánh nặng chung của nhiều học sinh nhà nghèo, ngoại tỉnh khác. Giá cả thị trường tăng, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, Trần Bình Thanh (Nông Cống, Thanh Hóa) tính toán mỗi tháng em phải chi 5 - 6 triệu đồng cho việc sinh hoạt ở thành phố. Trong đó có tiền nhà trọ, tiền ăn, chi phí sinh hoạt khác. Nếu học phí tăng, chắc chắn thu nhập của gia đình làm nông nghiệp như nhà em sẽ không đủ để “nuôi” giấc mơ suốt 4 - 5 năm trời.
Trao đổi với báo chí, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng, việc nhiều trường đồng loạt tăng học phí đồng nghĩa có thể sẽ loại bỏ những học sinh có năng lực nhưng lại không đủ khả năng kinh tế.
Khi có cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng đào tạo cũng được cải thiện, nhưng tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học.
Theo ông Khuyến, khó có thể so sánh mức học phí của đại học trong nước với nước ngoài, mà cần nhìn lại thu nhập bình quân của người dân hiện nay ở mức bao nhiêu so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
“Tôi cho rằng cách làm muốn tăng chất lượng phải tăng chi phí và muốn tăng chi phí thì tăng học phí là một lối tư duy chưa chuẩn. Bộ GD&ĐT cần xem xét lại với những ngành đặc thù, nhất là các trường khối ngành y dược, kinh tế...”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học, học viện đã công bố đề án tuyển sinh. Mặc dù là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhưng những thông tin liên quan đến học phí lại rất "khiêm tốn", thậm chí, người đọc còn cảm thấy "rối não" khi mỗi trường có 1 cách tính khác nhau.
Có trường tính theo tháng, theo kỳ, có trường lại tính theo từng tín chỉ. Điều này khiến không ít phụ huynh, học sinh hiểu sai về học phí. Ngoài ra, những con số về mức học phí trong các đề án tuyển sinh đều chỉ là ước tính, là dự kiến chứ không phải là con số thực tế chính xác.
Một số phụ huynh cho rằng, các nhà trường cần công khai, minh bạch rõ ràng về mức học phí để phụ huynh, học sinh có sự cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.