Cần có phương án hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, giết mổ, cấp đông thịt lợn
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các bộ ngành cần có phương án hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, giết mổ, cấp đông thịt lợn nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế cho ngân sách nhà nước và người chăn nuôi
Bài liên quan
Cẩn trọng với dịch bệnh bùng phát trong mùa hè
Khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm số một
470 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi
Giá thịt lợn có xu hướng giảm trở lại
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 43 tỉnh và thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh tính đến ngày 30/5 là khoảng trên 1,7 triệu con (chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn của cả nước). Đáng chú ý hơn, tại những địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang..., bệnh ngày càng đang lan rộng ra nhiều huyện, xã trên địa bàn. Điển hình, tại Hà Nội có trên 147.000 con lợn bị bệnh và tiêu hủy (chiếm 7,7% tổng đàn của thành phố), Thái Bình trên 300.000 con (chiếm hơn 30% tổng đàn của tỉnh), Hưng Yên trên 110.000 con (chiếm hơn 20% tổng đàn)...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Từ tháng 3/2019, sau khi có thông tin về tình hình bệnh lan rộng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, giá thịt lợn hơi đã giảm trên cả nước. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, giá tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn đang có xu hướng giảm trở lại do nhu cầu tiêu dùng thấp trước thời tiết nắng nóng, bệnh lây lan trên diện rộng. Tại phía Bắc, giá phổ biến từ 28.000-33.000 đồng/kg; phía Nam giá phổ biến từ 32.000-38.000 đồng/kg.
Để thay thế thịt lợn là nguồn thực phẩm chính hàng ngày, hiện người dân cũng tăng mức tiêu dùng vào các sản phẩm thay thế khác như thủy hải sản, thịt bò, thịt gà... Tuy nhiên, nếu bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với việc một số địa phương như Thái Bình, Hưng Yên… đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới, đồng thời không có giải pháp cấp bách và đồng bộ để bù đắp thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm nay.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành liên quan tìm giải pháp để tập trung thực hiện việc thu mua, giết mổ, cấp trữ đông cũng như giữ ổn định giá lợn, không để sốt giá lợn vào những tháng, quý tới.
Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), do khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế nên việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính. Bên cạnh đó, nhu cầu, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân còn hạn chế, gây không ít lo ngại cho doanh nghiệp trong việc thu mua, giết mổ, cấp đông sản phẩm thịt lợn và tiêu thụ sản phẩm cấp đông.
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngay vào giá
Với những diễn biến như hiện nay, dự báo, cuối năm giá thịt lợn sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bất ổn thị trường và nguy cơ mất cân đối cung - cầu. Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Để thực sự chia sẻ, khuyến khích doanh nghiệp, các bộ, ngành chức năng thay vì bỏ tiền tiêu hủy, nên hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp mua lợn vào từ lúc khỏe để giết mổ, cấp đông. Chính sách bình ổn giá cũng nên hướng vào các doanh nghiệp thu mua, triển khai cấp đông.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hà Nội trong việc ứng phó với diễn biến bất thường của bệnh dịch, bảo đảm nguồn cung và giá cả thị trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng: Trong bối cảnh bệnh lây lan, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngay vào giá cho các doanh nghiệp, đơn vị tham gia cấp đông. Đồng thời, huy động các hộ gia đình tham gia tự cấp đông.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần hỗ trợ doanh nghiệp chi phí chứng nhận các sản phẩm an toàn thực phẩm. Đồng thời chủ động phương án tiếp tục tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tính đến việc nhập khẩu sản phẩm an toàn nếu phương án tái đàn không khả thi, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thu mua, giết mổ, cấp đông thịt lợn an toàn, bảo đảm chất lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu, các sở, ngành địa phương cùng vào cuộc, khẩn trương xây dựng kế hoạch bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, chú trọng bảo đảm nguồn cung, xây dựng các điểm bán hàng lưu động các sản phẩm thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm tạo niềm tin của người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng trong dân.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên các gói vốn có lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia triển khai việc cấp đông dự trữ. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa tin chính xác về bệnh dịch và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi lợn, tránh tâm lý tiêu cực gây bất ổn thị trường thực phẩm.