Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Thanh Hóa chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 22-25/6, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt (mưa lớn tập trung từ chiều tối đến đêm). Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to; Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thường xuyên thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh. Qua đó giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn; lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Các lực lượng cần kiểm tra rà soát nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án ứng phó, tránh bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Thanh Hóa chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm |
Các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại;
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Khu vực Bắc Bộ đang vào mùa mưa dông, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh khi mưa lớn kèm các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh; lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
Theo các chuyên gia, để chống lũ quét ở vùng núi, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp công trình: Trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét. Xây dựng đê, tường chắn lũ quét để giữ dòng lũ chảy trong lòng dẫn, ngăn chặn các tác động của lũ quét đối với khu vực cần bảo vệ. Phân dòng lũ nhằm làm giảm tác động của lũ quét vào khu vực cần bảo vệ. Xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước.
Mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống của đường giao thông - do đặc điểm các sông của miền Trung ngắn và dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông cơ quan chức năng cần phải tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên các hệ thống đường sắt và đường bộ.