Các quận, huyện đẩy mạnh xét nghiệm miễn phí sàng lọc bệnh Thalassemia
Mở rộng tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh trong cộng đồng
Thalassemia là một trong các bất thường di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Hiện có 7% người dân trên toàn cầu mang gen bệnh tan máu bẩm sinh; 1,1% cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh hoặc mang gen bệnh.
Bệnh phân bố khắp toàn cầu, tỷ lệ cao ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương trong đó Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh và mang gen bệnh cao.
Xét nghiệm miễn phí sàng lọc bệnh Thalassemia cho 822 học sinh Trường THPT Chương Mỹ B (Hà Nội) |
Tại Việt Nam, tỷ lệ mang gen bệnh ở người Kinh vào khoảng 2 - 4%, các dân tộc thiểu số sống ở miền núi, tỷ lệ này rất cao: Khoảng 22% đối với dân tộc Mường và trên 40% ở dân tộc Êđê , Tày, Thái, Stiêng...
Từ năm 2022, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3370/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án Mở rộng Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030. Đề án được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030.
Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu 100% thai phụ được tư vấn về tầm soát Thalassemia trước sinh; tối thiểu 95% nam, nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Bên cạnh đó, 100% cán bộ dân số, y tế tham gia đề án có kiến thức, tư vấn về sàng lọc Thalassemia trước sinh, trẻ sơ sinh, sức khỏe trước khi kết hôn… Học sinh THCS, THPT là dân tộc thiểu số, tầm soát khoảng 5.000 trường hợp một năm.
Theo UBND TP Hà Nội, đề án nhằm phổ cập, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho cộng đồng, đồng thời tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh Thalassemia giúp giảm các chi phí điều trị của xã hội và gia đình, gánh nặng ngân sách y tế.
Thalassemia còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh nhân phải truyền máu và điều trị thải sắt cả đời. Đây là bệnh di truyền có tỷ lệ người mang gen bệnh cao nhất thế giới, phổ biến hơn cả Down, cứ 1.000 người thì có 100 người mang gen mà không biết.
Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, chủ yếu chữa triệu chứng – truyền máu và thải sắt. Ước tính, một người bệnh Thalassemia nặng điều trị đến năm 30 tuổi cần chi phí khoảng 3 tỷ đồng.
Mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng để tất cả bệnh nhân này được điều trị tối thiểu và cần khoảng 500.000 đơn vị máu đạt tiêu chuẩn để truyền tiếp cho họ.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là nâng cao nhận thức của cộng đồng, hạn chế sinh ra những trẻ bị bệnh. Nếu hai người mang gen bệnh lấy nhau thì 50% con sinh ra mang gen này; 25% trẻ bị bệnh ở mức độ nặng, phải truyền máu và điều trị bằng thuốc cả đời; chỉ có 25% trẻ chào đời khỏe mạnh.
Vấn đề là nhiều người có thể mang gen di truyền bệnh này mà không biết. Họ thường không có biểu hiện gì đặc biệt hoặc chỉ thiếu máu nhẹ. Những tiến bộ y học ngày nay cho phép sàng lọc gen bố mẹ và thai nhi, giúp phát hiện sớm và có biện pháp hỗ trợ, điều trị Thalassemia.
Tăng cường xét nghiệm sàng lọc cho học sinh
Từ năm 2017 đến nay Trung tâm Y tế đã phối hợp với Chi cục Dân số Hà Nội, các trường THPT trên địa bàn tổ chức sàng lọc cho 7.098 học sinh và phát hiện 1.365 học sinh mang gen và nghi ngờ mang gen Thalassemia chiếm 19.2%.
Do đó, việc sàng lọc tan máu bẩm sinh (thalassemia) sẽ là tấm bảo hiểm an toàn dành cho các em trong tương lai, cũng là để nâng cao chất lượng dân số.
Gần 1.000 học sinh được xét nghiệm miễn phí sàng lọc bệnh Thalassemia tại huyện Thạch Thất |
Ngày 26/11, Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất phối hợp với Chi cục Dân số Hà Nội, công ty trách nhiệm hữu hạn Medlatec Việt Nam tổ chức xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho 985 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 trường Trung học phổ thông Thạch Thất.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục dân số Hà Nội tiếp tục phối hợp với công ty trách nhiệm hữu hạn Medlatec và Trung tâm Y tế Thạch Thất tổ chức tư vấn về sức khỏe cho học sinh, đặc biệt các trường hợp mang gen bệnh.
Trước đó, ngày 15/11/2024 Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ phối hợp Chi cục Dân số Hà Nội cùng Trường THPT Chương Mỹ B và hệ thống Medlatec tổ chức lấy máu xét nghiệm miễn phí sàng lọc bệnh Thalassemia cho 822 học sinh Trường THPT Chương Mỹ B.
Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đã tổ chức truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh cho hơn 1000 em học sinh khối 11 và khối 12 của trường THPT Phan Huy Chú, huyện Quốc Oai.
Tại buổi truyền thông, các em học sinh được tư vấn, cung cấp các thông tin cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh, tầm quan trọng của việc chủ động xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh để phòng ngừa không sinh ra trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh.
Việc phát hiện sớm người mang gen thalassemia sẽ giúp các em học sinh chăm sóc sức khỏe và tự biết cách chọn một người không mang gen bệnh để kết hôn sau này.