Biến đổi khí hậu "đe dọa" người dân vùng đất cực Nam
Đã khống chế được cháy rừng tại Cà Mau “Doanh nghiệp vì cộng đồng” với hành trình đến mục tiêu trung hòa carbon Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tại Cà Mau |
Hạn hán diễn biến khốc liệt do tác động của hiện tượng El Nino khiến nhiều diện tích lúa và rau màu của người dân bị ảnh hưởng năng suất vì thiếu nước ngọt. Không dừng lại ở đó, hàng ngàn hộ dân phải đối mặt với tình cảnh thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt.
Nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Cà Mau lại không nhận được nguồn nước trực tiếp từ hệ thống sông này mà phần lớn nước ngọt của tỉnh được khai thác từ nguồn nước ngầm, nước mưa. Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng diễn ra phức tạp, khó lường.
Nhiều hộ dân ở Cà Mau phải mua nước khối sử dụng |
Mùa khô năm 2024, thời tiết cực đoan không chỉ làm cho hàng chục km đường giao thông nông thôn sụt lún mà còn khiến trên 3.000 hộ dân tại các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời… của tỉnh Cà Mau thiếu nước ngọt sinh hoạt. Thời điểm ấy, đời sống và sản xuất của người dân bị đảo lộn.
Theo ông Lê Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương có 247 công trình cấp nước phục vụ trên 40.000 hộ dân. Đến nay, tỉnh còn trên 10.000 hộ có khả năng thiếu hoặc không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt là do người dân sinh sống ở một số khu vực nước giếng khoan bị nhiễm phèn, không sử dụng được. Bên cạnh đó, mặc dù người dân đã có nguồn nước mưa tích trữ, nhưng do nắng nóng kéo dài nên lượng nước tích trữ không đủ để sử dụng gây ra khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều hộ dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc mua nước với giá cao để sử dụng, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đời sống người dân.
Theo các chuyên gia, vào mùa khô, nhiệt độ cao, mưa ít và kết hợp với tỉ lệ bốc hơi bề mặt cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước bổ sung cho các tầng nước ngầm bề mặt. Điều này cũng khiến các túi nước ngầm dễ bị nhiễm mặn. Đáng chú ý, có những khu vực có sự sụt giảm, ô nhiễm và xâm nhập mặn ở những tầng nước nông như TP Cà Mau, các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời hay U Minh...
Cà Mau đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gay gắt nhất. |
Bên cạnh đó, Cà Mau là địa phương duy nhất của cả nước có đường bờ dài từ Đông sang Tây, vì vậy, tình trạng sạt lở ven biển diễn ra ngày càng phức tạp, rộng khắp. Sạt lở không chỉ cuốn trôi đất sản xuất, mất rừng phòng hộ, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, tác động tiêu cực đến đời sống người dân vùng ven biển.
Thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, hiện, toàn tỉnh có tổng chiều dài sạt lở bờ biển ở mức độ nguy hiểm trở lên là 105km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 65km. Tình trạng sạt lở của tỉnh này diễn ra ở cả bờ Đông và bờ Tây, không chỉ làm mất đất rừng phòng hộ ven biển, mà còn làm nhiều hộ dân bị mất sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 83km/254km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm hơn 61km, tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25 - 50m, có những nơi lên đến 50 - 80m; sạt lở nguy hiểm dài 22km, tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 20 - 40m.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, nếu tính mốc từ năm 1990 đến 2023, riêng khu vực bờ biển Ðông trung bình mỗi năm bị sạt lở lấn vào đất liền khoảng 25,4m. Tính ra, tổng diện tích đất và rừng đã bị mất hoàn toàn ở khu vực trên khoảng hơn 8.820ha.
Còn tại bờ biển Tây, riêng khu vực huyện U Minh, từ năm 2006 có đến nay đã bị mất khoảng 30% diện tích. Số đai rừng còn lại còn khá hẹp, không đủ sức bảo vệ đê vùng ven biển.
Mùa khô năm 2024, tỉnh Cà Mau đối mặt với khô hạn sạt lở đất nhiều nơi |
Đáng nói, tình hình sạt lở trong khu vực nội đồng của Cà Mau cũng diễn biến phức tạp theo chiều dài của hệ thống sông ngòi, kênh rạch… Với hơn 8.000km chiều dài hệ thống sông ngòi ở Cà Mau, có khoảng 425km bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120km, tập trung tại địa bàn các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước; sạt lở nguy hiểm khoảng 305km, chủ yếu xảy ra ở các đoạn bờ sông có mật độ dân cư thưa và hạ tầng bên trong chủ yếu là giao thông nông thôn.
Thách thức phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ là bài toán riêng của Cà Mau mà còn là nhiệm vụ cấp bách của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các giải pháp đang được phát triển khai được kỳ vọng sẽ giải quyết một phần những khó khăn cho khu vực ven biển giàu tài nguyên này, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng chung.