Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vì lợi ích Nhân dân, có lúc đành phải bất chấp nguyên tắc
Bộ Tài chính đề nghị tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá Bộ Tài chính kiến nghị 4 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 2023 |
Sáng 9/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán và thực tế những khoản này đã chi.
Đại biểu Hòa cho rằng, việc chi trước, quyết toán sau là chưa đúng quy định luật ngân sách, do đó ông đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề này.
Mặc dù vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh, do dịch diễn biến phức tạp, ngân sách khó khăn trong khi rất cần chi phòng chống dịch, nên việc bổ sung dự toán chi cần thiết.
Giải trình về ý kiến của các đại biểu Quốc hội, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, tùy theo tình hình và qua làm việc với các địa phương, các tổ chức nước ngoài mới quyết định tài trợ, thường là bất thường và nhỏ lẻ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội trường |
Điều này dẫn đến việc bị động trong lập dự toán, thường phải căn cứ trên báo cáo sau đó của các bộ, ngành để tập hợp.
Theo Bộ trưởng, do đặc thù năm 2021, 2022 vừa qua, nguồn viện trợ chủ yếu là hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhiều tổ chức nhập trực tiếp vắc xin, kit test, thiết bị y tế cho các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP HCM...
"Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời, nên vì lợi ích Nhân dân, có những lúc đảnh phải bất chấp nguyên tắc", Bộ trưởng thẳng thắn chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, theo quy định để hàng hóa được thông quan, đặc biệt là các mặt hàng thiết bị y tế, phải có đầy đủ thủ tục, chứng từ. Vào thời điểm đó dịch đang bùng phát mạnh tại TP HCM, trong khi Cục Hải quan TP HCM không cho phép hàng hóa thông quan, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và yêu cầu cơ quan Hải quan cho phép hàng hóa thông quan để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Lấy ví dụ, ông Phớc cho biết, thời điểm đỉnh dịch tại TP HCM, số ca tử vong tăng cao, nhưng theo quy định phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục, giấy tờ hải quan mới cho xuất hàng, thông quan hàng hoá. Lúc đó, kit test xét nghiệm, vắc xin... được nhà tài trợ vận chuyển, thông báo cho địa phương, ngành y tế.
Đáng nói, khi Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy... tới nhận nhưng Cục Hải quan TP HCM cũng không đồng ý, do lô hàng tài trợ chưa đủ hồ sơ, điều kiện để thông quan.
"Tôi đã gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM là sẽ chịu trách nhiệm, phải cho Ban Chỉ đạo chống dịch nhận vắc xin, kit xét nghiệm, nhưng Cục Hải quan TP HCM không đồng ý cho xuất hàng. Tôi yêu cầu, nếu anh không có xuất hàng thì trả chức lại cho bộ và tự chịu trách nhiệm. Sau đó, hải quan mới đồng ý xuất hàng trước, hoàn thủ tục sau; Số hàng hóa này đã được bổ sung đầy đủ thủ tục, chứng từ", Bộ trưởng Bộ Tài chính kể lại.
Theo Bộ trưởng, tùy vào thực tế, có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho chi trước, xuất hàng trước, rồi hoàn thành thủ tục, quyết toán sau. Tuy nhiên, như vậy cán bộ lại rủi ro, hàng cho xuất đi rồi mà sau này quyết toán không đầy đủ thì sẽ bị truy trách nhiệm.
"Chúng tôi luôn luôn chủ động, nhưng trong phạm vi của mình thôi, còn ngoài phạm vi, chưa dự báo được thì rất mong các đại biểu hết sức thông cảm, thấu hiểu", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về vấn đề điều chỉnh dự toán, Bộ trưởng cho biết nếu đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng bội chi.
Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, phải trả lại, một số tỉnh thiếu, cần thêm nguồn vốn. Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của các tỉnh, địa phương trên cả nước.
Trả lời câu hỏi về việc phân bổ dự toán là có sự ưu ái đối với ngành Hải quan, ngành Thuế hay không, Bộ trưởng cho biết, chế độ đặc thù của các bộ, ban ngành sẽ thay đổi theo chính sách tiền lương mới, nên việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan không phải là sự thiên vị.