Bộ trưởng Bộ Công thương: Sẽ luôn bị động nếu để tình trạng "có gì làm nấy, có gì bán nấy"
Bộ trưởng Bộ Công thương: Xử lý nghiêm, rút giấy phép doanh nghiệp xăng dầu găm hàng, trục lợi |
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương (Ảnh: nguoidaibieu.vn) |
Tắc đâu phải thông đấy...
Trả lời các chất vấn của đại biểu về tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hiện tượng hàng hóa ùn ứ cho thấy chiến lược sản xuất của chúng ta còn luẩn quẩn, có nhiều bế tắc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong 2 năm qua, Bộ Công thương đã không dưới 3 lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, bám sát tín hiệu thị trường.
Nhấn mạnh, nếu vẫn giữ cách làm cũ “có gì làm nấy, có gì bán nấy” thì sẽ bị động, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, ngành Nông nghiệp cần quy hoạch lại vùng trồng, xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất theo nhu cầu từng thị trường.
"Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn các tổ chức hiệp hội, ngành hàng để nắm bắt nhu cầu, thói quen tiêu dùng từng thị trường, góp phần chuyển từ sản xuất tiểu ngạch sang chính ngạch", Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh việc chuyển từ sản xuất tiểu ngạch sang chính ngạch là câu chuyện lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy!". Bộ Công thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các "vùng xanh" an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
Toàn cảnh phiên chất vấn |
Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Hàng hóa phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường
Đặt vấn đề về nhóm giải pháp thích ứng với chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc trước tình trạng ùn ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, chúng ta cần mở thêm nhiều thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với khả năng thích ứng của mình đối với chính sách nhập khẩu hàng hóa của các nước.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị, Bộ trưởng cho biết có bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi, thông suốt, ổn định, an toàn và đạt được mong muốn đề ra hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: nguoidaibieu.vn) |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 16 hiệp định đã có hiệu lực, gần đây nhất là hiệp định RCEP của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác. Hàng hóa của Việt Nam đã đến được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, để hưởng được lợi ích của 16 Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực.
"Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sản phẩm hàng hóa cho chúng ta có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không thì lại là những câu hỏi không thể chỉ đặt ra với Bộ Công thương mà phải đặt ra với các ban, ngành và với các doanh nghiệp và người sản xuất", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được câu hỏi sản xuất gì, bán đi đâu và bán cho ai? Nhưng bây giờ chúng ta vẫn "làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, đây là vấn đề khó".
Để nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới, theo Bộ trưởng, cần lưu ý một số vấn đề. Đó là sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường; Đồng thời, phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên, hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.