Bộ Tài chính chưa đồng ý giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Văn bản nêu rõ từ tháng 12/2019, dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với ngành ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…Tuy nhiên, chính sách này lại có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương. Theo đó, chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ lệ phí trước bạ, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương.
“Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp” – Bộ Tài chính kết luận.
Theo các báo cáo, thị trường ô tô trong nước năm nay sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như sức mua suy giảm, chi phí sản xuất và nguyên liệu tăng cao. Tính chung 2 tháng đầu năm, các đơn vị thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã bán được tổng cộng 40.354 ô tô các loại trong 2 tháng đầu năm 2023, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch giảm 28%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 47%.