Bỏ HĐND phường để nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền Hà Nội
Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 8
Bài liên quan
HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch
Ngày 25/10, sẽ diễn ra kỳ họp bất thường của HĐND thành phố
Cơ quan Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”
Chủ tịch UBND quận sẽ bổ nhiệm Chủ tịch UBND phường
Theo tờ trình dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Do đặc điểm, tính chất tập trung, thống nhất cao của đô thị, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế-xã hội cần phải được quyết định ở cấp thành phố, quận, thị xã; phường không quyết định được mà thực chất chỉ là cấp tổ chức thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND ở phường là không còn phù hợp, chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính là Uỷ ban nhân dân..
Trên cơ sở Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội do Thành ủy Hà Nội trình, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội.
Dự thảo Nghị quyết chỉ rõ, tại những phường nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập.
HĐND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường...
Tại những phường nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc |
Còn UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường thực hiện lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm dự toán thu, chi ngân sách các phường), trình HĐND cùng cấp quyết định.
Chủ tịch UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND phường cũng như tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức phường. Công chức phường do UBND quận, thị xã tuyển dụng, quản lý.
Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2020.
UBND phường sẽ là cánh tay nối dài của quận
Mới đây, tại tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, theo Đề án về việc không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn thành phố, Hà Nội sẽ tổ chức việc bỏ HĐND phường ở tất cả 177 phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây.
Sau khi bỏ HĐND cấp phường, thành phố vẫn đề xuất giữ tên gọi là UBND phường nhưng về bản chất thì là hoạt động như một cơ quan hành chính, là cánh tay nối dài của UBND quận để hoạt động, điều hành chính quyền tại địa phương.
Do đó, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phường sẽ do Chủ tịch UBND quận đề bạt và bổ nhiệm. Toàn bộ công chức của các phường được hưởng chính sách giống như công chức, viên chức quận chứ không phân thành 2 chính sách như hiện nay.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi khi bỏ HĐND cấp phường, thành phố vẫn đề xuất giữ tên gọi là UBND phường |
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong quá trình xây dựng đề án này, thành phố đã lấy ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học. Cùng với đó, căn cứ vào thực tiễn, thành phố cho rằng vẫn giữ tên gọi UBND phường là phù hợp.
“Nếu như thay tên gọi UBND phường (sau khi bỏ HĐND phường) thành Ủy ban hành chính phường thì toàn bộ phần mềm quản lý dữ liệu dân cư và các dịch vụ công sẽ đều phải thay lại. Toàn bộ hồ sơ, lý lịch, giấy tờ của công dân ở các phường sẽ phải thay lại hết, phải đính chính.
Hơn nữa, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương đều gắn với phường, xã. Suốt mấy chục năm vừa qua, rất nhiều Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các phường được Nhà nước phong Anh hùng, tặng thưởng Huân chương các loại… Giờ nếu đổi tên thành Ủy ban hành chính thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến yếu tố truyền thống của địa phương.
Đặc biệt, nếu đổi thành Ủy ban hành chính thì tiến độ xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội sẽ bị chậm lại. Để lại tên gọi UBND phường cũng phù hợp với nguyện vọng của người dân”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho hay, việc giám sát chính quyền tại cơ sở ngoài Quốc hội, HĐND TP như hiện nay, thì tổ đại biểu HĐND quận ứng cử tại phường, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ được tăng cường trách nhiệm và chức năng giám sát.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội là cần thiết, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn. Đây cũng là việc được kỳ vọng sẽ tinh gọn bộ máy, từng bước nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý điều hành của chính quyền TP Hà Nội; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong giai đoạn tới.
Danh sách các phường thí điểm không tổ chức HĐND:
Quận Ba Đình có 14 phường gồm: Phúc Xá, Ngọc Hà, Đội Cấn, Ngọc Khánh, Kim Mã, Giảng Võ, Thành Công, Cống Vị, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Trúc Bạch, Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực.
Quận Hoàn Kiếm có 18 phường gồm: Đồng Xuân, Cửa Nam, Chương Dương, Phúc Tân, Hàng Buồm, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Trống, Hàng Mã, Hàng Bông, Cửa Đông, Hàng Bài, Hàng Gai, Hàng Bồ, Phan Chu Trinh, Hàng Bạc, Hàng Đào.
Quận Long Biên có 14 phường gồm: Ngọc Thụy, Bồ Đề, Đức Giang, Thượng Thanh, Ngọc Lâm, Sài Đồng, Thạch Bàn, Long Biên, Phúc Lợi, Phúc Đồng, Giang Biên, Cự Khối, Gia Thụy, Việt Hưng.
Quận Thanh Xuân có 11 phường gồm: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam, Khương Trung, Phương Liệt, Nhân Chính, Khương Mai, Thượng Đình, Khương Đình, Hạ Đình, Kim Giang.
Quận Cầu Giấy có 8 phường bao gồm: Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Yên Hòa, Trung Hòa.
Quận Hoàng Mai có 14 phường gồm: Đại Kim, Định Công, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai, Mai Động, Lĩnh Nam, Thịnh Liệt, Giáp Bát, Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Yên Sở, Trần Phú.
Quận Tây Hồ có 8 phường gồm: Yên Phụ, Phú Thượng, Thụy Khuê, Xuân La, Bưởi, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An.
Quận Đống Đa có 21 phường gồm: Hàng Bột, Văn Chương, Thổ Quan, Phương Liên, Kim Liên, Phương Mai, Khương Thượng, Thịnh Quang, Trung Liệt, Quang Trung, Nam Đồng, Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Láng Thượng, Trung Phụng, Ngã Tư Sở, Trung Tự, Khâm Thiên, Quốc Tử Giám, Cát Linh, Văn Miếu.
Quận Hai Bà Trưng có 20 phường gồm: Đồng Tâm, Trương Định, Minh Khai, Vĩnh Tuy, Bạch Đằng, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Bạch Mai, Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Lê Đại Hành, Ngô Thì Nhậm, Phố Huế, Phạm Đình Hổ, Đồng Nhân, Đông Mác, Ô Cầu Dền, Bách Khoa, Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai.
Quận Nam Từ Liêm có 10 phường gồm: Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mễ Trì, Phú Đô, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Trung Văn, Phương Canh, Xuân Phương, Cầu Diễn.
Quận Bắc Từ Liêm có 13 phường gồm: Thụy Phương, Liên Mạc, Tây Tựu, Minh Khai, Thượng Cát, Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Đức Thắng, Phúc Diễn, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Phú Diễn.
Quận Hà Đông có 17 phường bao gồm: Phú Lãm, Phú Lương, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Vạn Phúc, Phúc La, Hà Cầu, Yết Kiêu, Yên Nghĩa, Văn Quán, Mộ Lao, La Khê, Đồng Mai, Dương Nội, Kiến Hưng, Phú La, Biên Giang.
Thị xã Sơn Tây có 9 phường gồm: Trung Hưng, Trung Sơn Trầm, Lê Lợi, Xuân Khanh, Quang Trung, Ngô Quyền, Phú Thịnh, Sơn Lộc, Viên Sơn.