Biến đổi khí hậu khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng
Đảo quốc sư tử đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, vượt xa con số 5.258 ca trong năm 2021. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 mới là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết hằng năm.
Các chuyên gia cảnh báo đây là số liệu tồi tệ không chỉ đối với Singapore, nơi có khí hậu nhiệt đới thích hợp cho muỗi Aedes mang mầm bệnh sinh sôi nảy nở, mà còn đối với những nơi khác trên thế giới. Biến đổi khí hậu trên toàn cầu sẽ khiến những đợt bùng phát dịch bệnh trở nên phổ biến hơn và lan rộng hơn trong những năm tới.
Sốt xuất huyết có thể là bệnh đặc hữu nhưng không phải là căn bệnh có thể điều trị đơn giản (Ảnh: CNN) |
Cơ quan Khí tượng Singapore cho biết, quốc đảo này đang nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Nhiệt độ tại Singapore gần đây đã đạt mức cao kỷ lục 36,7 độ C vào tháng 5.
Theo nhà khoa học thời tiết và khí hậu Koh Tieh Yong làm việc tại Đại học Khoa học xã hội Singapore, thập kỷ qua, nước này chứng kiến khí hậu rất ấm áp. Hiện Singapore có thêm 12 ngày ấm hơn so với 50 năm trước.
Bên cạnh hiên tượng thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa lớn hơn cũng khiến dịch sốt xuất huyết hằng năm của Singapore có khả năng trở nên tồi tệ hơn.
“Chúng ta sẽ không thể loại bỏ bệnh sốt xuất huyết vì thời tiết khắc nghiệt liên tục tạo điều kiện sinh sản hoàn hảo cho muỗi”, nhà khoa học khí hậu Winston Chow tại Cao đẳng Nghiên cứu Tích hợp thuộc Đại học Quản lý Singapore cho biết.
Sốt xuất huyết không phải là một căn bệnh dễ chịu. Nó gây ra các triệu chứng giống bệnh cúm như sốt cao, đau đầu dữ dội và đau nhức cơ thể. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây chảy máu, khó thở, suy nội tạng và thậm chí tử vong.
Biến đổi khí hậu khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng (Ảnh: CNN) |
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào đầu năm nay, số ca mắc đã tăng 30 lần trong vòng 50 năm qua. WHO cũng nhận định sốt xuất huyết đã là bệnh đặc hữu trong hơn 100 năm.
Năm 2019, thế giới đã ghi nhận kỷ lục 5,2 triệu ca mắc sốt xuất huyết. Các đợt bùng phát dịch trên khắp Châu Á vào năm đó khiến hàng nghìn người tử vong. Tại Philippines, hàng trăm người chết và hàng triệu người khác gặp nguy hiểm khi nước này tuyên bố là quốc gia có dịch sốt xuất huyết. Tại Bangladesh, các bệnh viện bị quá tải.
Năm 2020, Singapore ghi nhận đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử, với 35.315 ca mắc và 28 trường hợp tử vong. Người phát ngôn của Bộ Y tế Singapore cho biết, tính đến ngày 28/5/2022, khoảng 11.670 ca mắc sốt xuất huyết đã được báo cáo, khoảng 10% trường hợp phải nhập viện. Tuy nhiên, số ca mắc đang tăng cao. Với việc mùa cao điểm dịch bệnh chỉ mới bắt đầu, giới chuyên gia nhận định, đảo quốc sư tử năm nay có thể lập kỷ lục về số ca mắc sốt xuất huyết.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore Desmond Tan nhấn mạnh: “Hiện đang là một giai đoạn khẩn cấp mà chúng ta phải xử lý ngay tức khắc”.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, Campuchia đã ghi nhận 1.125 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 625 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021; Trong đó có 2 trường hợp tử vong. Năm 2021, Campuchia chỉ có 500 trường hợp mắc và không ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào.
Theo thống kê của WHO tới ngày 27/4, Việt Nam ghi nhận 18.599 ca sốt xuất huyết, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Đặc biệt, các khu vực miền Nam đang trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh. Tại Hà Nội, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm mùa hè gia tăng…
Khi biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ và hành tinh nóng lên, các bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết có thể sẽ tiếp tục lây lan, đồng thời gây ra tác động lớn hơn bao giờ hết đến sức khỏe và cuộc sống của con người.
Singapore đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050 |
Singapore lần đầu tổ chức ngày hội sống khỏe toàn diện |
Ngành du lịch Singapore trên đà hồi phục nhanh chóng |