Bắt giam 3 bị can liên quan đến vụ việc cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên
Hình ảnh đối tượng đi thu tiền "bảo kê" được camera ghi lại
Bài liên quan
Giám đốc Công an Hà Nội lên tiếng việc PV điều tra vụ “bảo kê” chợ Long Biên bị dọa giết
Khởi tố điều tra vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên
Khởi tố vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo điều tra xử lý hoạt động “bảo kê” tại chợ Long Biên
Liên quan đến vụ án “bảo kê” tại chợ Long Biên, chiều 5/12, Viện KSND TP Hà Nội đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can là nhân viên tổ bốc xếp tại chợ Long Biên về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015.
Các đối tượng bị khởi tố gồm: Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, SN 1968, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, SN 1962, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”, SN 1963, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Phóng viên Liên Liên cùng ê kip thực hiện phóng sự điều tra nạn bảo kê ở chợ Long Biên |
Trước đó, vào tháng 9/2018, một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về việc các tiểu thương tại chợ Long Biên phải đóng tiền bến bãi (tiền bảo kê) là 200.000 đồng/lượt. Nếu là xe to thì mức tiền là 350.000 đồng/lượt để được vào chợ Long Biên buôn bán. Thậm chí, có trường hợp phải đóng tiền bến bãi 100 triệu đồng/năm. Nếu không đóng tiền, các hộ kinh doanh ở chợ sẽ không có chỗ để đỗ xe, chuyển hàng...
Ngay sau khi có thông tin, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Công an TP Hà Nội, UBND quận Ba Đình kiểm tra, xử lý. Đến ngày 1/10, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015, để điều tra làm rõ vụ "bảo kê" xảy ra tại chợ Long Biên.
UBND quận Ba Đình cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với một cán bộ là Phó trưởng Ban quản lý chợ Long Biên và chỉ đạo Ban quản lý chợ tạm dừng hoạt động hai tổ bốc xếp trong khu vực chợ Long Biên để sắp xếp lại hoạt động.
Liên quan đến vụ việc, vào đêm 2/12, phóng viên Nguyễn Thị Liên (bút danh Liên Liên, công tác tại Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam) nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ xxx7933 với nội dung đe dọa là yêu cầu dừng việc điều tra nếu không "cả nhà sẽ phải chết".
Tương tự, nhà báo Thu Trang, Trưởng đại diện báo Phụ nữ TP HCM cũng nhận được hai tin nhắn với nội dung đe dọa tương tự từ số điện thoại xxx7933. Trước sự đe dọa này, ngày 3/12, Đài Truyền hình Việt Nam và báo Phụ nữ TP HCM đã có công văn gửi Bộ Công an, Công an TP Hà Nội đề nghị vào cuộc điều tra việc hai nữ phóng viên của hai cơ quan báo chí này nhận được tin nhắn đe dọa.
Trước sự việc này, sáng ngày 4/12, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đề nghị 2 đơn vị này khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc.
Văn bản nêu rõ: "Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam nhận được báo cáo của Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam và Liên chi hội Đài Truyền hình Việt Nam về việc nữ phóng viên của Ban Thời sự bị nhắn tin đe dọa giết cả nhà.
Nhận thấy, đây là sự việc nghiêm trọng, gây tổn hại về tinh thần, sức khỏe của các nhà báo và gia đình mình. Với chức năng bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và chính đáng của phóng viên, nhà báo, hội viên, Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo điều tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm hành vi dọa giết người của đối tượng nhắn tin và có kế hoạch đảm bảo an toàn cho phóng viên và gia đình".
Cũng trong sáng ngày 4/12, bên lề kỳ họp thứ 7 của HĐND TP Hà Nội khóa XV, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Công an Hà Nội đã nắm được thông tin liên quan đến vụ việc hai nhà báo điều tra về tình trạng bảo kê chợ Long Biên bị đe dọa. Hiện cơ quan công an đang tích cực điều tra vụ việc.