Bảo vệ môi trường - giáo dục học sinh từ những việc làm nhỏ nhất
Học sinh trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trả lời các câu hỏi về môi trường
Bài liên quan
Bảo vệ môi trường từ những dự án khởi nghiệp sáng tạo
Thông điệp ý nghĩa đằng sau loạt ảnh Halloween ấn tượng của MC Quang Bảo
Học sinh Nguyễn Siêu chung tay bảo vệ môi trường trong Ngày hội STEAM
Ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội
Tuổi trẻ Quốc Oai ra quân làm đẹp đô thị
Lào Cai: Nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa"
Giáo dục học đường là cách giáo dục thường xuyên và tác động lớn nhất đối với lớp trẻ. Việc giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học chưa được chú trọng đúng mức. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi một môn học chính thức, nếu các thầy cô giáo biết cách lồng ghép thường xuyên vấn đề này trong các bài giảng của mình thì hiệu quả chắc chắn không phải là nhỏ.
Nhiều năm nay, giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thầy và trò trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội). Các nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, tiết học công dân hay hoạt động ngoại khóa. Cô Phương Thị Thìn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên cho biết: “Bảo vệ môi trường là việc mà nhà trường rèn luyện cho các con thực hiện hàng ngày, hàng giờ, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Ví dụ như hết tiết học, các em tham gia vào hoạt động “5 phút sạch trường”, vệ sinh chỗ ngồi, lớp học của mình. Không chỉ vậy, nhà trường cũng tuyên truyền để học sinh hạn chế túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa. Hi vọng, mỗi em sẽ là một tuyên truyền viên tích cực để lan tỏa hành động đẹp đến gia đình, người thân”.
Không chỉ có các em học sinh Tiểu học Văn Yên, vừa qua, hơn 30 bức tranh của các học sinh lớp 6 trường Marie Curie (Hà Nội) chứa đựng lời nhắn nhủ sâu sắc về bảo vệ môi trường tại “Triển lãm tranh - MC và môi trường".
Mỗi bức tranh đều thể hiện rõ ý tưởng, tâm tư, tình cảm, lời muốn nói khi chứng kiến cảnh môi trường sống xung quanh đang dần bị hủy hoại bởi chính con người.
"The lost Polar Bear - Chú gấu Bắc cực lạc trong thành phố" là tên bức tranh của Linh Chi. Bức tranh là hình ảnh có thật về một chú gấu Bắc Cực đi lạc vào thành phố Norilsk của Nga vào ngày 18/6/2019 trong lúc cố gắng đi tìm thức ăn.
“Qua bức tranh, em mong các nước trên thế giới sẽ quan tâm đến vấn đề môi trường hơn nữa để trả lại cuộc sống tốt đẹp cho những chú gấu Bắc Cực nói riêng, muôn loài động vật và cả của con người”, họa sĩ nhí Linh chi cho biết.
Bức tranh tương phản của Minh Phương mang tên “Những điều nên và không nên làm với Trái đất” đã để lại ấn tượng. Một bên đang cố gắng cứu Trái đất, một bên ra sức phá hoại rừng, xả rác bừa bãi, gây tổn thương đến Trái đất… Hai mặt đối lập mang đến thông điệp rõ ràng: “Đừng làm Trái đất thêm đau, thêm xấu xí!”
Theo Hà An (học sinh 6I1): “Mỗi bức tranh chính là lời nhắn nhủ, và cảm xúc của chúng em muốn gửi đến mọi người khi lắng nghe tiếng kêu cứu của Trái đất”.
Được biết, ý tưởng thực hiện chương trình này xuất phát từ các bậc phụ huynh của lớp với mong muốn cho các con trải nghiệm, góp những hành động nhỏ bé nhưng ý nghĩa để cùng chung tay bảo vệ môi trường, lan tỏa ý thức tốt đến cộng đồng. Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng năm học “Vì môi trường” của trường Marie Curie.
Số tiền thu được từ việc bán bức tranh sẽ dùng trong các chương trình nhân ái, từ thiện, chia sẻ cộng đồng của tập thể của lớp 6I1.
Không chỉ lan tỏa thông điệp đẹp, ý nghĩa, các học sinh đã cùng nhau thu gom chai nhựa, rác quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Mới đây, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phối hợp với trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng CEOR tổ chức chương trình Giáo dục môi trường với chủ đề: “Thải rác thông minh – Bình yên sức khỏe hướng tới mục tiêu xây dựng quận Hoàn Kiếm sáng - xanh – sạch".
Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: Chương trình tập trung tuyên truyền sâu rộng về tác hại của việc sử dụng túi nilon với sức khỏe con người. Rác thải nhựa còn làm ô nhiễm môi trường sống, tàn phá hệ sinh thái, gây ra nhiều hiểm họa về thiên nhiên, đe dọa nghiêm trọng sự sống trên toàn trái đất.
Cũng trong chương trình này, các em được làm quen với sản phẩm túi thân thiện với môi trường, thay thế cho túi nilon khó phân hủy.
Đồng thời, các em học sinh thể hiện vốn hiểu biết của mình về bảo vệ môi trường như: ý thức đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; không sử dụng bếp than tổ ong; việc hạn chế sử dụng sản phẩm rác thải nhựa; thu gom tái chế vỏ hộp sữa…
Buổi giao lưu truyền thông giáo dục môi trường đã giúp các em khắc sâu những kiến thức về sức khỏe, môi trường, hào hứng xung phong tham gia trả lời các câu hỏi về môi trường. Những câu trả lời của các em rất chính xác và cho thấy các em có những kiến thức cơ bản về sức khỏe môi trường.
Thông qua chương trình các em học sinh nhận biết được: Ý thức bảo vệ môi trường, dần hình thành trong cộng đồng học sinh và ngay cả các giáo viên về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường.
Có thể nói, từ nhà trường, thầy cô giáo vừa là những tấm gương rất thuyết phục, vừa là những người có sức lay động, cảm hóa sâu sắc để mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên tích cực góp phần bảo vệ môi trường sống.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019