Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam
Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Ở Hà Nội, nhắc đến hoa Sen người ta nghĩ ngay đến sen Bách Diệp của vùng đất Tây Hồ. Sen Bách diệp có khoảng trăm cánh nở rất to, có màu hồng nhạt, hương thơm ngát, có màu sắc và hương thơm độc đáo, khác biệt so với hoa sen của các vùng đất khác.
Đồng chí Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Hoa sen không chỉ có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo mà còn là cây trồng đa giá trị, có giá trị dinh dưỡng và giá trị sử dụng rất cao, hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm, làm dược liệu, làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may và đem lại giá trị kinh tế cao.
Trước đây, sen Hà Nội chỉ có hoa trong mùa hè, song nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên đã tạo ra nhiều giống mới, giúp mùa sen ở Hà Nội bây giờ có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm. Tuy nhiên hiện nay, diện tích trồng sen Tây Hồ đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Do vậy, để bảo tồn và phát triển cây sen quý Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới tại Hà Nội. Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội.
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ phát biểu tại hội thảo |
Giới thiệu về đặc sản sen Hồ Tây, đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ cho biết: Là một quận nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, Tây Hồ được thiên nhiên ưu đãi, nổi bật không chỉ với Hồ Tây – lá phổi xanh của thành phố, mà còn có sen Bách Diệp – một giống sen có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loại sen khác. Người dân trồng sen Tây Hồ coi đây là một đặc ân được trời đất ban tặng và đặc biệt các hồ sen lại được hiện diện bên cạnh hồ Tây thơ mộng, đó cũng chính là niềm tự hào của người dân Tây Hồ.
Nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà nội triển khai mô hình “sản xuất hoa Sen chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu” tại quận Tây Hồ với quy mô 7 ha tại 2 đầm sen Đầu Đồng và Thủy Sứ của quận Tây Hồ. Đến nay đã đạt được kết quả rất đáng kích lệ, sen sinh trưởng phát triển tốt, cho hoa rất đẹp vào đúng dịp Lễ hội này (12-16/7/2024), góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sen
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước tại Hà Nội và các tỉnh Đồng Tháp, Thừa thiên Huế, các doanh nghiệp sơ chế, chế biến các sản phẩm từ sen và các nghệ nhân làng nghề tạo tác các sản phẩm từ sen và sáng tạo ý tưởng từ sen trình bày các tham luận một cách khoa học, sáng tạo đảm bảo tính thực tiễn, chuyên sâu và bổ ích.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức – người phát triển ngành tơ sen, góp phần bảo tồn và phát triển giá trị cây sen Việt Nam cho biết: "Từ ngàn đời nay, cây sen và hoa sen đã ăn sâu vào tâm trí, cuộc sống và tồn tại trong lòng của mỗi người dân đất Việt, một biểu tượng của sự linh thiêng, trường tồn và luôn được trân trọng. Hình ảnh của cây sen, hoa sen được kết hợp với hình ảnh của những chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam và luôn được phụ nữ khắp năm châu ngưỡng mộ và trân quý.
Đại biểu tham luận tại buổi hội thảo |
Với mong muốn phát triển ngành tơ sen góp phần bảo tồn và phát triển giá trị cây sen Việt Nam, năm 2017, tôi được Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh mời tham gia vào Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống sen tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm rất cao, chất lượng sợi tơ rất thấp, thị trường không thể chấp nhận được.
Trước những khó khăn như vậy, qua 3 năm (2018-2020) đầu tư công sức, tiền tài, trí tuệ tôi đã thử nghiệm nhiều mô hình nghiên cứu để làm sao giảm giá thành tơ sen nhưng phải nâng cao chất lượng hơn nữa mới có thể cạnh tranh trên thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Có thể nói, ngành tơ sen là một nghề mới tạo ra một sản phẩm tơ sen có giá trị kinh tế rất cao, quy trình sản xuất được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất, chế biến, thu gom rác thải, xử lý triệt để, rất thân thiện môi trường và tạo cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững góp phần bảo tồn và phát triển cây sen Việt Nam", nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận nhấn mạnh.
Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công nghệ, xây dựng mô hình phát triển sen và hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân |
Với mục tiêu bảo tồn và phát triển hoa sen trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hội thảo Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam hôm nay có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, đại diện các tỉnh, thành phố tham dự.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo đã diễn ra lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công nghệ, xây dựng mô hình phát triển sen và hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân đại diện cho nhà khoa học, nhà quản lý và các Hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sen, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ sen.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày bên lề buổi hội thảo |
Hội thảo Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam nằm trong khuôn khổ Lễ hội sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024. Sau Hội thảo ngày hôm nay sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn và tôn vinh phát triển Sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương. Đồng thời xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm Sen, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng.
Các nghệ nhân sẽ có những thiết kế sản phẩm mới từ sen phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sen tại làng nghề nông thôn. Đặc biệt, các nghệ nhân sẽ tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm sen trong chuỗi sản phẩm làng nghề Hà Nội gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng Nông thôn mới.
Để bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc và giá trị kinh tế của sen Hà Nội, Hà Nội đã mở rộng các vùng trồng sen ở nhiều quận, huyện, thị xã, đến nay có khoảng hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương, như: Mỹ Đức 188ha, Ba Vì 70ha, Mê Linh 65ha, Phúc Thọ 25ha, Ứng Hòa 25ha, Bắc Từ Liêm 25ha, Tây Hồ 19,6ha, Quốc Oai 18ha… Theo đó, Hà Nội có rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành. Lũy kế đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen. Đặc biệt, có sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất và sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia. Ngoài ra còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm... |