Bảo đảm cung ứng đủ, hiệu quả nguồn nước sạch cho người dân
Phương pháp xử lý nước sạch hộ gia đình an toàn, hiệu quả |
Điều chỉnh giá nước, thu hút nhà đầu tư là cần thiết Gỡ "nút thắt", giải "cơn khát" nước sạch cho người dân Phương pháp xử lý nước sạch hộ gia đình an toàn, hiệu quả |
Ưu tiên nguồn nước mặt
Trước năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP Hà Nội khoảng 900.000 m3/ngày đêm; Trong đó nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000 m3/ngày đêm, nguồn nước mặt khoảng 200.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nguồn nước ngầm tại Hà Nội có công suất khai thác lên tới 780.000 m3/ngày đêm.
Nhiều hộ dân ở huyện Sóc Sơn vẫn đang dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt |
Như vậy, khi nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao, trường hợp khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước, xâm nhập nước mặt ô nhiễm,… gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm. Dự kiến khai thác nguồn nước ngầm giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 615.000 m3/ngđ; Đến năm 2030 khoảng 504.00 m3/ngđ và đến năm 2050 khoảng 413.000 m3/ngđ.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 3 dự án khai thác nước mặt có công suất lớn để bổ sung nguồn cho khu vực nội thành và các khu vực dân cư lân cận. Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất thiết kế đạt sản lượng 300.000 m3/ngày đêm, đã thực hiện cấp nước từ đầu năm 2019. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, giai đoạn từ năm 2025 -2030, nhà đầu tư sẽ tiếp tục nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm.
Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 5611/QĐ-UBND ngày 24/10/2015. Nhà máy nước mặt sông Hồng theo quy hoạch có công suất phân kỳ I là 150.000 m3/ngày đêm, phân kỳ II là 300.000 m3/ngày đêm cấp nước cho dân cư khu vực phía Tây Hà Nội.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đà đã triển khai cấp nước giai đoạn 1 với sản lượng đạt 300.000 m3/ngày đêm. Nhà máy đang tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 2 bổ sung đường ống truyền tải từ Hòa Bình về Hà Nội, theo Quyết định số 554/QĐ-TTg đến năm 2025 nâng công suất từ 300.000 lên 600.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 nâng công suất lên 900.000 m3/ngày đêm.
Nhu cầu sử dụng nước sạch tại khu vực nội thành tăng bình quân hàng năm từ 6-7%, cùng với chủ trương giảm sản xuất nước ngầm theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, với sản lượng nước sản xuất là 1.530.000 m3/ngày đêm thì việc khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư, nâng công suất sản xuất nước mặt đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước sạch trong thời gian tới là vô cùng cần thiết.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch
Để tăng tốc phủ sóng nguồn nước sạch, cũng như hoàn thành các mục tiêu đã đề ra theo Kế hoạch phát triển nguồn và mạng cấp nước trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch.
Vận hành hệ thống bơm tăng áp cung cấp nước tại Công ty Nước sạch Hà Đông |
Với các xã đã giao nhà đầu tư, thành phố chỉ đạo các đơn vị cấp nước tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đã giao bao gồm (11 dự án nguồn, 29 dự án phát triển mạng). Thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối hướng dẫn thực hiện điều chỉnh, thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai để kêu gọi nhà đầu tư khác.
Đối với 29 xã chưa có nhà đầu tư, thành phố sẽ giao các đơn vị đang triển khai dịch vụ cấp nước trong khu vực mở rộng phát triển mạng cấp nước.
Với những khu vực không có nhà đầu tư, thành phố giao UBND huyện triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó đề xuất quản lý vận hành sau đầu tư.
Thành phố yêu cầu có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân một số xã đấu nối sử dụng nước sạch, tuyên truyền người dân đấu nối sử dụng nước sạch vì lợi ích cộng đồng; Đồng thời, rà soát đóng các giếng nước ngầm tự khai thác không bảo đảm yêu cầu; Thực hiện hỗ trợ người dân những vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy nhanh đầu tư phát triển hệ thống mạng cấp nước khu vực nông thôn, Hà Nội đã chấp thuận phân vùng cấp nước tại các khu vực chưa được đầu tư mạng cấp nước cho 8 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành phố thực hiện 10 dự án mở rộng mạng cấp nước trong giai đoạn 2022-2025 và một dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai cấp nước cho những khu vực dân cư miền núi tại huyện Ba Vì (xã Khánh Thượng và Minh Quang) không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội mở rộng cấp nước cho 21 xã của huyện Thường Tín, 8 xã của huyện Thạch Thất. Công ty cấp nước Sơn Tây mở rộng cấp nước cho xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất. Công ty Đồng Tiến Thành Thủ đô mở rộng cấp nước cho 2 xã (Lại Thượng, Phú Kim) huyện Thạch Thất. Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai mở rộng cấp nước cho 11 xã còn lại và hoàn thiện 4 xã đã giao tại huyện Chương Mỹ, 2 xã tại huyện Quốc Oai.
Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng nghiên cứu cấp nước cho 9 xã còn lại của huyện Phúc Thọ. Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội mở rộng cấp nước cho 3 xã (Cổ Loa, Bắc Hồng, Thụy Lâm) của huyện Đông Anh; 18 xã của huyện Sóc Sơn. Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam mở rộng cấp nước cho khu vực 21 xã còn lại của huyện Ứng Hòa, 26 xã của huyện Mỹ Đức. Công ty cổ phần Viwaco mở rộng cấp nước cho khu vực 10 xã còn lại của huyện Thanh Oai.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Đến lúc đó, tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.
Cạn kiệt nguồn nước ngầm, thiếu hụt nước sạch vẫn đang là thách thức rất lớn. Do đó, ngoài nỗ lực của các sở, ngành thành phố cùng doanh nghiệp cung ứng nước thì còn cần sự chung tay, góp sức của nhiều bên liên quan. Mỗi tổ chức, cá nhân cũng cần có những hành động thiết thực và cụ thể như không vứt, xả rác thải bừa bãi ra môi trường, tránh tình trạng xả trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước ngầm, gây ra nhiều trở ngại, khó khăn cho các đơn vị xử lý và sản xuất nước sạch, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong sử dụng nguồn nước sạch tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.