Bamboo Capital đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh, nâng cao năng lực vốn và cải thiện cơ cấu tài chính
Phiên thảo luận diễn ra ngày 6/5 rất sôi nổi và cởi mở khi Ban lãnh đạo BCG dành 2 tiếng để trả lời các cổ đông về các vấn đề như kế hoạch tăng trưởng, cơ cấu tài chính, trái phiếu…
Ban lãnh đạo BCG dành 2 tiếng để trả lời các cổ đông về nhiều vấn đề được quan tâm |
Mục tiêu 2026: Lợi nhuận 10.000 tỷ, vốn chủ sở hữu đạt 56.000 tỷ đồng
Năm 2022, BCG đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 7.250 tỷ đồng, tăng trưởng 280% so với thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 220%.
BCG dự kiến tăng vốn bằng cách phát hành hơn 266 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Phương án phát hành cổ phiếu theo hình thức bán đấu giá 250 triệu cổ phần ra công chúng cũng được đại hội tán thành. Giá chào bán khởi điểm được xác định bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 60 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán của cổ phiếu BCG tính đến ngày công ty ra nghị quyết chào bán.
Cổ tức năm 2021 được BCG chi trả theo tỷ lệ 10%, gồm 5% tiền mặt và 5% cổ phiếu. Nếu tính cả 25,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 5 triệu cổ phiếu ESOP, tổng giá trị cổ phần BCG dự kiến phát hành trong năm nay tính theo mệnh giá là 5.183 tỷ đồng. Nếu hoàn tất các đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của Bamboo Capital sẽ tăng gấp đôi từ 5.033 tỷ lên khoảng 10.500 tỷ đồng.
Sau khi BCG tăng vốn sẽ góp 5.000 tỷ đồng vào BCG Financial nhằm tăng vốn cho Công ty CP Bảo hiểm AAA, chuẩn bị nguồn lực cho Bảo hiểm AAA tăng tốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, mở rộng sang mảng bảo hiểm nhân thọ đang giàu tiềm năng.
Thông qua BCG Financial, BCG cũng sẽ đầu tư thêm mảng fintech của Công ty Bamboo ID để phát triển ứng dụng ngân hàng số, đầu tư dài hạn vào mảng ngân hàng và M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Giai đoạn từ 2022 - 2026, BCG dự kiến lộ trình tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2022 là 29.000 tỷ đồng, 2023 sẽ là 36.000 tỷ đồng, 2024 sẽ là 41.000 tỷ đồng, 2025 là 47.000 tỷ đồng và 2026 là 56.000 tỷ đồng. Vào năm 2026, tổng tài sản công ty sẽ rơi vào khoảng 185.000 tỷ đồng.
Trong các năm tới, công ty sẽ ưu tiên tăng vốn chủ sỡ hữu bằng cách giữ lại lợi nhuận để thực hiện sản xuất kinh doanh hơn là phát hành cổ phiếu mới. Việc nâng cao năng lực về vốn sẽ giúp BCG phát huy tốt tiềm năng sẵn có, nắm bắt các cơ hội trên thị trường và vững vàng trước các biến động kinh tế.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT BCG cũng giải thích thêm mục đích tăng vốn: “BCG phát triển các dự án trên phương án M&A là chủ yếu. Khi muốn phát triển nhanh chóng công ty cần có những đối tác chiến lược. Khi M&A, BCG đều sẽ đứng ra nắm chi phối dự án, các đối tác sẽ cùng quản lý hoặc sử dụng nguồn lực có sẵn của họ để đóng góp. Nếu BCG được chấp thuận tăng vốn hơn nữa thì có thể tự triển khai được các dự án lớn mà không bị chi phối bởi các đối tác góp vốn”.
Các khoản phải thu lớn là doanh thu và tài sản ở tương lai
Khoản mục phải thu ngắn và dài hạn của BCG hiện nay là khá lớn, đặc biệt là khoản thu khác, điều này làm một số cổ đông tỏ ra lo ngại về rủi ro nợ xấu, mất thanh khoản khiến công ty phải tăng trích lập dự phòng. Giải thích cho vấn đề này, ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT BCG cho biết, bản chất các khoản phải thu của BCG không có gì đáng ngại bởi đây là do đặc thù kinh doanh của công ty. Hầu hết khoản phải thu của BCG đến từ 3 mảng: Bất động sản, xây dựng và hoạt động M&A.
Về bất động sản, giá trị bán hàng của BCG Land là rất lớn nhưng theo nguyên tắc kế toán, chỉ khi xây dựng xong và bàn giao thì khoản mục này mới được ghi nhận vào doanh thu. Công ty đang nắm giữ các căn hộ, các sản phẩm bất động sản nên sau khi hoàn thành xây dựng mà khách hàng không tiếp tục thanh toán hết thì có thể thanh lý hợp đồng và bán cho khách hàng khác, không phải lo rủi ro nợ xấu hay mất thanh khoản.
Còn trong mảng xây dựng, khi triển khai các công trình quy mô lớn, đặc biệt là xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, tổng thầu phải ứng trước 30 - 40% nên phải hoạch toán chi phí này là khoản phải thu. Khi dự án đi vào hoạt động, nghiệm thu xong thì khoản phải thu này sẽ ngay lập tức chuyển thành tài sản của công ty.
Tương tự, mảng thứ ba dẫn đến khoản phải thu lớn là do hoạt động M&A. Khi mua các dự án, BCG nắm quyền sở hữu dự án đó nhưng chỉ mới trả 50 - 70% tiền dự án và đợi đối tác hoàn thiện thủ tục pháp lý mới thanh toán phần còn lại. Khi nào hoàn thiện xong thủ tục pháp lý, BCG sẽ thanh toán tất cả tiền mua dự án cho đối tác và các khoản phải thu này sẽ trở thành tài sản công ty.
Ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT BCG phát biểu tại đại hội |
Siết trái phiếu không ảnh hưởng đến BCG
Trong những nội dung được cổ đông thảo luận tại hội nghị, nổi bật là các vấn đề liên quan đến cơ cấu tài chính, tổng nợ và nợ trái phiếu của BCG. Theo ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT BCG: “Nguyên tắc quản trị tài chính không phải là nhìn vào con số nợ tuyệt đối để đánh giá mà phải nhìn vào đòn cân nợ có hợp lý hay không. Nợ trái phiếu của BCG là 9.000 tỷ đồng nhưng tổng tài sản hơn 40.000 tỷ, vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỷ đồng, đây là cơ cấu tài chính an toàn với số lượng trái phiếu này.
Ngoài ra, trong năm 2021, cơ cấu tài chính BCG đã liên tục được cải thiện. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, tính cuối quý I/2022 đã giảm xuống còn 2,72 lần. Trong năm nay, công ty sẽ nỗ lực giảm tỷ lệ nợ này về dưới 2 và trong tương lai gần sẽ về dưới 1”.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang là nền kinh tế đang phát triển, do đó cần phải có bệ đỡ một thị trường tài chính ổn định, vững mạnh. Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tiền tệ do các ngân hàng cung cấp. Còn cổ phiếu và trái phiếu là kênh huy động vốn nhàn rỗi đắc lực cho doanh nghiệp và kinh tế phát triển. Thời gian qua, do khung pháp lý chưa được ổn định nên có trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, việc sắp tới cần làm không phải là siết chặt hay “hủy diệt” thị trường trái phiếu mà tạo ra khung pháp lý để thị trường trái phiếu được phát triển an toàn và lành mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Lãnh đạo BCG cho biết, 90% nguồn vốn BCG huy động qua trái phiếu là để sử dụng cho các dự án năng lượng và các dự án bất động sản. Các dự án BCG triển khai rất tiềm năng, phương án trả nợ trái phiếu mà công ty đưa ra rất rõ ràng và luôn thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Vì vậy, việc siết chặt trái phiếu bất động sản không phải vấn đề đáng lo với BCG. Vì việc siết trái phiếu đang làm trong sạch thị trường, giúp phân định được chất lượng nhà phát hành, giảm rủi ro và đạt hiệu quả tối đa cho nhà đầu tư.