Bãi rác thời trang lớn nhất thế giới
Bãi rác quần áo của thế giới
Theo thống kê, từ năm 2000 - 2014, sản lượng quần áo trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi khi người tiêu dùng bắt đầu mua sắm quần áo nhiều hơn 60%, trong khi mặc chúng trong thời gian chỉ bằng một nửa so với trước đây.
Ngày nay, 3/5 tổng số quần áo kết thúc vòng đời ở bãi chôn lấp hoặc lò đốt trong vòng một năm kể từ khi sản xuất. Điều đó có nghĩa là một chiếc xe tải chở quần áo đã qua sử dụng sẽ bị đổ hoặc đốt trong mỗi giây. Hầu hết các cơ sở đó đều ở Nam Á hoặc Châu Phi, nơi các quốc gia tiếp nhận quần áo một cách quá tải đến mức không thể xử lý.
Một phần bãi rác thời trang tại Chile (Ảnh: National Geographic) |
Ví dụ, một bãi rác ở ngoại ô Accra, thủ đô của Ghana cao gần 20 mét chỉ chứa quần áo thải loại đã nổi tiếng quốc tế như một "biểu tượng của cuộc khủng hoảng thời trang nhanh”.
Trong khi đó, khung cảnh ở miền Bắc Chile cũng không khá hơn. Những đống quần áo khổng lồ bị vứt bỏ với nhãn mác từ khắp nơi trên thế giới, trải rộng đến tận ngoại ô Alto Hospicio, một thành phố chật chội với 130.000 cư dân.
Trong khe núi, một đống quần jean, áo vest mới đắt tiền đã bạc màu dưới ánh mặt trời gay gắt. Trên đỉnh đống quần áo cao chót vót lại là một chiếc áo lông thú giả và đống sơ mi vẫn còn nguyên nhãn mác.
Chile có một trong những cảng miễn thuế lớn nhất của Nam Mỹ, nơi tiếp nhận hàng triệu tấn quần áo từ Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ.
Theo số liệu của hải quan nước này, năm 2022 có đến 44 triệu tấn quần áo được tập kết vào Chile.
Cảng miễn thuế khuyến khích hoạt động kinh tế vì hàng hóa được nhập và tái xuất không phải trả các loại thuế phí thông thường. Điều này khiến Chile trở thành nước nhập khẩu quần áo cũ lớn nhất thế giới, đặc biệt là khi thời trang nhanh bùng nổ.
Về bản chất, Chile chỉ đang tái chế quần áo của thế giới. Những bộ quần áo được chọn trước từ Mỹ và Châu Âu hay hầu hết là từ các cửa hàng tiết kiệm khi đến cảng của Chile sẽ được một nhóm công nhân phân loại chúng thành bốn loại, từ cao cấp đến kém chất lượng. Sau đó, chúng được xuất khẩu khi đã trở thành những sản phẩm may mặc tốt nhất sang Cộng hòa Dominica, Panama, Châu Á, Châu Phi và thậm chí quay trở lại Mỹ để bán lại.
Quần áo không được tái chế sẽ ra chợ La Quebradillas (chợ bán quần áo đã qua sử dụng lớn nhất Chile). Tại đây, quần áo sẽ được phân loại tiếp để bán cho các cửa hàng nhỏ và chợ đường phố.
Những gì không bán được ở chợ sẽ ra đến sa mạc, đa số sẽ không thể phân hủy hay hư hỏng vì làm từ vật liệu tổng hợp không phân hủy sinh học.
“Mọi thứ đều hữu ích với tôi. Chúng tôi may mắn vì đã tìm thấy thứ này” - một phụ nữ vô gia cư mặt rạng ngời sau khi lục được chiếc váy hè in hình quả dâu tây trong đống rác.
Những nỗ lực tái chế
Những bãi rác như tại sa mạc Atacama hoàn toàn có thể dẫn đến thảm họa cho sinh vật sống, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Đáng chú ý, báo cáo của Liên hợp quốc năm 2019 chỉ ra rằng lượng nước thải từ ngành thời trang không hề có xu hướng giảm trong những thập kỷ vừa qua, với nguyên nhân chủ yếu đến từ "thời trang nhanh" - chiếm tới 20% tổng lượng nước thải toàn cầu. Ví dụ, để sản xuất một chiếc quần jeans, người ta cần tới 7.500 lít nước.
Báo cáo trên cũng cho biết ngành sản xuất quần áo và giày dép xả ra 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Cứ mỗi giây lại có lượng quần áo tương đương một xe tải chở rác bị đốt hoặc chôn.
Dù rác thải quần áo bị vứt lộ thiên hay chôn dưới đất, chúng đều gây ô nhiễm môi trường, thải ra chất ô nhiễm vào không khí hoặc mạch nước ngầm. Cho dù làm bằng vải tổng hợp hay được xử lý bằng hóa chất, quần áo cần tới 200 năm mới có thể phân hủy sinh học và cũng độc hại không kém nhựa và lốp xe bỏ đi.
Người vô gia cư sẽ ra "bãi rác" để lựa chọn những bộ còn tốt mang ra chợ bán (Ảnh: National Geographic) |
Một công ty khởi nghiệp có tên EcoFibra đã được ra đời nhằm chuyên chế tạo các tấm cách nhiệt trong nhà từ chất thải dệt may. Người chủ cho biết, anh bị thúc đẩy bởi ý tưởng rằng một lượng lớn rác thải có thể được chuyển hóa hoàn hảo thành nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm mới, giúp giảm số lượng quần áo trên sa mạc. Cho đến nay, các tấm EcoFibra đã được sử dụng trong hơn 100 ngôi nhà ở miền Bắc Chile.
Một công ty khởi nghiệp khác là Ecocitex đã biến quần áo đã qua sử dụng thành sợi, kể cả len tổng hợp, để dùng may quần áo mới. Chủ sở hữu của Ecocitex cho biết sứ mệnh của họ là loại bỏ rác thải dệt may ở Chile.
Đây là những bước nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, giải pháp hứa hẹn nhất để có thể xử lý quy mô lớn của vấn đề rác thải nằm trong tay Chính phủ Chile. Ngân hàng Thế giới dự báo 3,4 tỷ tấn rác sẽ được tạo ra mỗi năm vào năm 2050.
Có một luật quy định các nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về 6 loại chất thải đặc biệt nhưng chưa bao gồm dệt may. Điều luật “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” đã được thông qua ở Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Canada và một số tiểu bang của Mỹ. Năm 2016, Chile đã thông qua phiên bản của riêng mình gọi là “Trách nhiệm pháp lý mở rộng của nhà sản xuất”, viết tắt là Ley REP.
Ông Tomás Saieg, Trưởng Văn phòng kinh tế tuần hoàn của Bộ Môi trường Chile đã đang làm việc để bổ sung thêm hàng dệt may.
Ông chia sẻ: “Biến Chile từ bãi phế liệu thành trung tâm tái chế là một giấc mơ nhưng việc chúng ta cần làm là thêm hàng dệt may vào Ley REP”.
Ẩn họa từ những bãi rác thải xây dựng TTTĐ - Những dự án bỏ hoang, chậm tiến độ; những thửa ruộng của người dân tại các huyện ngoại thành, thậm chí cả những ... |
Tái chế rác từ đỉnh Everest TTTĐ - Everest được mệnh danh là nóc nhà thế giới, là nơi mỗi nhà leo núi chuyên nghiệp muốn một lần được đặt chân ... |
Những số phận mưu sinh nhờ nghề bới rác TTTĐ - Hằng ngày, hơn 10 người, chủ yếu là phụ nữ đến bãi rác tìm ve chai, phế liệu. Phần lớn trong số họ ... |