Bài 4: Mỗi cán bộ trẻ phải nỗ lực rèn luyện cả về đạo đức lẫn tri thức
Bài 3: “Thước đo” năng lực lãnh đạo của cán bộ trẻ Bài 2: “Nhường ghế” cho người trẻ: Chi tiền và tự nguyện Trao quyền và đề cao trách nhiệm cán bộ trẻ |
Đặt niềm tin, trao cơ hội cho thế hệ lãnh đạo kế thừa
Cách đây không lâu, trên phương tiện truyền thông đại chúng, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ niềm tin sâu sắc về thế hệ lãnh đạo kế thừa. Ông nói: “Ngày nay, xã hội chúng ta không thiếu những người trẻ giàu khát vọng cống hiến, có bản lĩnh, tài năng, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Điều tôi muốn nói là khi đã tin vào đội ngũ lãnh đạo trẻ thì đồng thời hãy tạo không gian để họ sáng tạo, phát huy, đừng trói buộc bởi những khuôn mẫu giáo điều, bảo thủ.
Người cán bộ có trách nhiệm và cầu thị sẽ luôn đắm mình trong dòng chảy lịch sử yêu nước thương nòi, tận tâm với công việc và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn... Tôi tin rằng những cán bộ trẻ ít nghĩ đến "tư duy nhiệm kỳ", đến việc thu vén trong những "chuyến tàu vét" với hành trình vội vã nhưng họ cần được thử thách và chịu sự kiểm soát”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nói hộ tiếng lòng của rất nhiều người.
Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho một thế hệ lãnh đạo mới được học tập, trui rèn để sẵn sàng lãnh trọng trách nắm giữ chiếc chìa khóa phát triển đất nước. Niềm tin ấy được hiện thực hóa bằng những chính sách đào tạo cán bộ nguồn như ở Hà Nội là Đề án số 07-ĐA/TU ngày 24/9/2013.
Nhiều thủ khoa được TP Hà Nội vinh danh đã thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho Thủ đô và đất nước |
Niềm tin ấy là cũng trở thành động lực hành động của hàng ngàn đảng viên trên khắp cả nước sẵn sàng về hưu sớm, trao lại không gian cho thế hệ trẻ sáng tạo, phát huy.
Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác nhân sự cấp ủy các cấp lại càng được chú trọng, bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công khai, gắn với quy hoạch, đảm bảo về tiêu chuẩn, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong trả lời phỏng vấn báo chí cũng khẳng định: “Để phát hiện nhân tài không có cách nào khác là dựa vào quần chúng nhân dân”.
Từ thực tế tại quận mình, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân chia sẻ: “Cán bộ muốn nói hay gì thì hay nhưng với người dân, kết thúc năm, phải trả lời được 3 câu hỏi: Năm nay so với năm trước, đời sống người dân (lĩnh vực cán bộ làm, phụ trách) có tốt hơn không? An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường sống (công tác phục vụ, cải cách hành chính) của người dân có tốt hơn không? Bộ máy công quyền trong đó có cả vận hành đã phục vụ tốt chưa, còn gì khiếm khuyết phải khắc phục?”.
Chị Mai Hạnh (35 tuổi, đảng viên phường Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cũng cho rằng: “Kết quả công tác thực tiễn, uy tín với quần chúng trong phạm vi đang công tác và tài năng thực sự là thước đo quan trọng bậc nhất trong công tác cán bộ. Không chú ý tín nhiệm của quần chúng trực tiếp với một phạm vi đủ lớn là một thiếu sót rất cơ bản. Tỉnh anh, huyện anh phụ trách mà xảy ra nhiều sai phạm mà vẫn cất nhắc, đơn thư nhiều mà vẫn đề bạt thì chỉ chọn được cán bộ tồi, bộ máy ngày càng hỏng, tham nhũng tràn lan, sờ đâu sai đó...”.
Kèm cặp giám sát hay nỗ lực tự thân
Nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến một thực tế đầy đau xót: từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý đã bị kỷ luật; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Trong số đó, có không ít cán bộ trẻ tuổi từng được kỳ vọng là “hạt giống đỏ” của đất nước nhưng lại sớm thui chột, chín ép.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người được trao quyền dẫn đến những vấn đề nhức nhối như: Tư duy nhiệm kỳ, chạy chức chạy quyền chạy án, sự thăng tiến thần tốc của con ông cháu cha, sự nâng đỡ không trong sáng... Đảng ta nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền bị tha hóa bởi quyền lực. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khởi động một “chiến dịch đốt lò”, quyết tâm làm trong sạch Đảng.
Thay vì phải “nổi lửa đốt lò”, có cách nào làm Đảng trong sạch vững mạnh ngay từ đầu, từ khâu lựa chọn cán bộ trẻ và đề bạt nhân tài? Đây cũng là một chủ đề hao tổn giấy mức và nhiều lần được tranh luận trong các kỳ họp Quốc hội.
Chia sẻ với báo giới, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: “Khi đã chọn được người, công tác giáo dục, rèn luyện, kèm cặp, bồi dưỡng, giám sát, đặc biệt là đưa các nhân tố trẻ vào môi trường thử thách khắc nghiệt có ý nghĩa quan trọng”.
Tán đồng việc cán bộ trẻ đi “thử lửa”, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân còn nhấn mạnh “tính tự giác” rèn luyện của từng cán bộ.
“Quy định nào thì quy định, tiêu chuẩn nào thì tiêu chuẩn, cán bộ không tự học tập, rèn luyện, không tự vươn lên thì có bao nhiêu sách, tài liệu, học đến mấy thì cũng không thể vượt qua cám dỗ của bản thân. Bởi là con người ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng”, ông nói.
Ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nêu cao tinh thần tự rèn luyện bản thân thông qua tự học. Bác Hồ nói: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Người còn chỉ rõ: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.
Với cán bộ trẻ, khi tổ chức đã trao cơ hội, cá nhân họ phải tự trui rèn cả về đạo đức lẫn tri thức để phù hợp nhất với vai trò, trọng trách được giao phó. Khi cán bộ trẻ đã rèn luyện, vượt vũ môn để “hóa rồng” thì họ mới có thể là ngọn cờ đầu trong xây dựng và phát triển đất nước, đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu” như Bác Hồ và các thế hệ cha anh kỳ vọng.