Bài 2: Quặn lòng nhìn tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ
Làng đào Nhật Tân bị “xóa sổ” sau mưa, lũ
Nhật Tân - được coi là “thủ phủ” trồng đào của Thủ đô Hà Nội với 802 hộ dân gắn bó với nghề truyền thống từ nhiều đời nay. Đây không chỉ là nguồn sinh kế mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Những gốc đào bích, đào phai, đào trắng và đặc biệt là đào Thất thốn đã từng là sản phẩm OCOP 4 sao, thu hút du khách và quảng bá hình ảnh làng nghề của Tây Hồ đến với đông đảo người dân Thủ đô và cả nước nhưng giờ đây, tương lai của làng đào này trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.
Hiện, các hộ dân đang phải đối mặt với bài toán khôi phục kinh tế, trong khi việc hồi phục lại các vườn đào có thể kéo dài nhiều năm, chưa kể những khó khăn về thời tiết và tài chính. Cơn lũ đi qua, để lại không chỉ là những vườn đào chết khô, mà còn là nỗi đau về sự mất mát không dễ gì bù đắp được của người dân trồng đào.
Cơn lũ đi qua, để lại không chỉ là những vườn đào chết khô, mà còn là nỗi đau về sự mất mát không dễ gì bù đắp được của người dân trồng đào |
Hai tuần sau bão số 3, làng đào Nhật Tân ven sông Hồng, dưới chân cầu Nhật Tân, những người dân cả đời gắn bó với loài hoa đón xuân nổi tiếng của Thủ đô vẫn không thể tin nổi niềm hi vọng và công sức của mình biến mất một cách xót xa như thế.
Ngồi bệt trên bờ ruộng, nét mặt đầy khắc khoải, lo âu, anh Đỗ Kỳ Anh, một người dân trồng đào tại phường Nhật Tân, Tây Hồ cho hay: Những gốc đào vốn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đã bị nhấn chìm 3 - 4 mét trong nước lũ. Dù một số cây cao hơn, không đến nỗi chết ngay nhưng tình trạng chẳng khá hơn là bao bởi rễ cây đã úng, khó có khả năng hồi phục. Cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ những cây đào còn lại héo úa, chết dần cũng rất cao.
Những gốc đào vốn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đã bị nhấn chìm trong nước lũ |
Chính quyền địa phương cho biết mặc dù trước đó, nhiều chủ vườn đã cố gắng di dời những gốc đào lên các khu vực cao hơn để giảm thiểu thiệt hại nhưng với tốc độ nước sông Hồng dâng lên quá nhanh, mọi nỗ lực đều trở nên vô ích. Ước tính diện tích thiệt hại khoảng 105ha với hàng chục ngàn gốc.
Theo chân những người dân trồng hoa đào ở Nhật Tân ra bãi giữa sông Hồng, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” đào của Thủ đô, chứng kiến cảnh người dân cố gắng cứu vãn những cây đào còn sống sót sau trận lũ lịch sử vừa qua, chúng tôi không nén nổi tiếng thở dài. Nơi chỉ mới tháng trước ở đây còn bạt ngàn những gốc đào lên xanh đậm thì nay chỉ còn là bùn đất và những xác cây khô. Dù gắn bó với bờ bãi sông Hồng gần trọn đời người, không ai nghĩ rằng một ngày mưa bão lại khiến nước từ dòng sông mẹ dâng lên cao đến vậy.
Anh Lê Hàm bần thần bên những gốc đào Thất thốn bị chết khô vì nước lũ |
Anh Lê Hàm, một hộ dân trồng đào tại phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ: “Có lẽ, gia đình tôi là một trong những gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa, lũ lịch sử vừa qua. Hiện tại, toàn bộ khu vực bãi trồng đào của người dân Nhật Tân không khác gì vùng đất chết. Cây cối, hoa màu tan hoang, nước ngập đến đâu là chết đến đó. Hơn 2.000 gốc đào Thất thốn nhà tôi giờ mất trắng, không còn gì cả”.
Những lời than thở đầy chua xót của người dân không chỉ là nỗi đau về mặt tài chính mà còn là tâm huyết, công sức suốt cả năm, chỉ trông chờ vào vụ mùa Tết. Vậy mà giờ đây, hy vọng đã tan biến trong dòng nước lũ.
Anh Đỗ Đức Chiến chặt những gốc đào chết khô, rũ lá vì mưa, bão |
“Nghĩa địa đào” giờ chỉ còn vài cây sống sót lẻ loi. Cắn chặt môi cho khỏi bật khóc, chị Vũ Thị Hạnh nghẹn ngào: “Để khôi phục lại được khu vườn, người dân nơi đây ước tính phải mất từ 2 đến 3 năm, một quãng thời gian dài đầy thử thách đối với những ai sống bằng nghề trồng đào”.
Chặt những gốc đào chết khô, rũ lá vì mưa, bão, chúng tôi có cảm giác anh Đỗ Đức Chiến, ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) như đang chặt vào chính bàn tay, bàn chân, vào hi vọng của mình. Người trồng đào cả đời ăn ngủ bên gốc đào, quanh năm chăm bẵm từng cành, từng lá, thuộc từng mấu sần, từng thế đứng của cành cây, giờ phải chặt nó đi, xót xa như cứa vào chính cơ thể mình.
Anh Đỗ Đức Chiến chỉ cho phóng viên mức nước ngập trong trận mưa, lũ vừa qua |
Không giấu được nỗi buồn và thất vọng, anh chia sẻ: “Nhà tôi trồng hơn 10 sào hoa đào với đủ các loại đào nổi tiếng của làng đào Nhật Tân. Hàng ngày, gia đình tôi vẫn sớm, khuya chăm sóc cho từng cây đào để chờ đến Tết Nguyên đán khoe sắc. Vậy mà mưa bão vừa qua làm cho hơn 80% diện tích trồng đào nhà tôi ngập úng, thối rễ. Hiện gia đình tôi đang tập trung chặt gốc, phơi khô để đốt bỏ, còn một số cây đang được chăm sóc với mong muốn được cây nào hay cây đó, giảm bớt thiệt hại”.
Ngoài ra, để khôi phục sản xuất, bên cạnh việc mua cây đào nhỏ về trồng thay thế diện tích cây bị chết, gia đình anh Chiến và những người dân trồng đào tại Tây Hồ cũng khẩn trương di chuyển những gốc đào còn sống đến các điểm cao hơn, tránh bị ngập nước trong các đợt mưa lũ tiếp theo.
Hiện các hộ dân trồng đào ở Nhật Tân đang mua cây giống để chuẩn bị trồng lại cây mới |
Tình trạng đào chết hàng loạt do ngập úng, thối rễ không chỉ ở Nhật Tân, mà Phú Thượng, Quảng An, nơi có hàng nghìn gốc đào cũng trong cảnh tương tự. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng đang nỗ lực "hồi sinh" các vườn đào để phục vụ Tết. Hiện nay, nhiều hộ trồng đào ở phường Phú Thượng, Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) cũng tạm gác lại khó khăn mà tập trung cứu lấy vườn đào, với tinh thần “còn nước còn tát”.
Theo báo cáo thống kê của UBND quận Tây Hồ, trận mưa, lũ vừa qua khiến phần lớn đất canh tác nông nghiệp bị úng ngập. Đối với diện tích đất nông nghiệp, thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 179,05 ha cây trồng, thiệt hại khoảng 86,555 tỷ đồng; trong đó, riêng vùng trồng hoa đào thiệt hại khoảng 65,05 ha ước tính giá trị lên đến hơn 39 tỷ đồng.
“Trắng tay” chỉ sau một đêm
Chỉ sau một đêm nước lũ dâng cao, hàng vạn con gà đẻ trứng của hộ gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn ở khu Bãi Già (xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã bị nhấn chìm, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Chỉ sau một trận lũ, toàn bộ số gà đang trong độ đẻ trứng và xuất chuồng của gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn phần lớn chết sạch |
Nhớ lại khoảnh khắc cả đàn gà bị nước lũ nhấn chìm, ông Hoàng Ngọc Đoàn nghẹn ngào nói: “Sáng sớm 10/9, sau khi kiểm tra thấy nước sông Hồng tràn vào trang trại nuôi gà, tôi đã nhanh chóng huy động tất cả nhân lực, vật lực với 8 xe ô tô đến để cứu hộ. Tuy nhiên, do nước lũ lên quá nhanh, khi đoàn xe đến đã không thể tiếp cận được trang trại và đành phải quay đầu. Gia đình tôi đã phải chuyển sang phương án bắt gà thủ công từ tầng thấp lên tầng cao với hi vọng nước không lên quá cao.
Song, mưa lũ lớn, nước sông Hồng dâng quá nhanh khiến gia đình tôi trở tay không kịp, toàn bộ trang trại đã bị ngập sâu từ hôm 10/9. Chỉ sau một trận lũ, toàn bộ số gà đang trong độ đẻ trứng và xuất chuồng phần lớn chết sạch, kéo theo là bao tâm huyết, tiền bạc của gia đình đổ sông đổ bể. Còn gì đau xót hơn khi thấy của nả mất đi trước mắt mình mà không cách nào cứu vãn được”.
Tính riêng tiền gà, gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng |
Được biết, trong hai ngày 11 và 12/9, nhờ sự kêu gọi và ủng hộ của người dân địa phương, rất đông người đã đến “giải cứu” gà bị ngâm nước còn sống với giá 50.000 đồng/con. Nhiều người còn đợi cả tiếng đồng hồ để mua gà hỗ trợ gia đình ông.
Tuy nhiên, do nước lên cao trang trại bị ngập sâu, đường lớn lại cách trang trại 2km khiến việc đưa thuyền vào trại chở gà ra ngoài gặp rất nhiều khó khăn, mỗi lần đưa ngoài chỉ được ít nên số gà gia đình ông Đoàn chỉ bán được vớt vát được khoảng 2.000 con, số còn lại thì không thể “giải cứu”, khiến gia đình ông Đoàn gần như mất trắng.
Hàng trăm tấn cám của gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn bị ngập sâu trong nước lũ, gây thiệt hại hàng tỷ đồng |
Ông Đoàn cho biết thêm, nếu không xảy ra lũ lụt giá bán hiện tại đang là 150 nghìn/con; lượng trứng duy trì trong ngày khoảng 70.000 - 75.000 quả trứng, thu về khoảng hơn 100 triệu đồng/ngày chưa trừ chi phí. Tính riêng tiền gà, gia đình ông thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền thức ăn với khoảng 140 tấn cám bị mục, trang thiết bị điện bị ngập nước... thiệt hại lên tới 14 tỷ đồng.
Đây chỉ là số ít trong hàng trăm trường hợp bị thiệt hại nặng nề bởi mưa, lũ. Mặc dù bão, lũ đã đi qua, song hiện nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn bị ngập lụt, nguy cơ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp vẫn đang hiện hữu, người nông dân vẫn ngày đêm hi vọng sẽ nhanh chóng khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 3 và mưa, lũ để sớm ổn định cuộc sống.
(Còn nữa)