Bài 2: Những bài giảng "có hồn" kết tinh từ tâm huyết, sáng tạo
Không ngừng tìm tòi, sáng tạo
Dạy online đúng nghĩa không phải giáo viên cứ theo giáo án cũ, không cần đổi mới hay sáng tạo, đến giờ là vào phòng học, ngồi trước máy tính đều đều đọc giáo án cho học sinh chép… Nhiều ý kiến cho rằng, dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải nghĩ cách thu hút học sinh bởi những tiết học dễ hiểu và sinh động.
Với những con số và hình vẽ khô khan, cô Vũ Thị Ái Vân, giáo viên trường THCS Gia Thuỵ, quận Long Biên đã biến Toán học trở thành môn học đáng yêu, thu hút học sinh bằng các ứng dụng như phần mềm Zoom, phần mềm chấm bài trực tuyến Azota và bảng điện tử bút viết…
Năm học này, cô Vân sẽ dạy cả học sinh lớp 6 và 9. Hai lớp với lượng kiến thức trái ngược nhau nhưng cô giáo vẫn luôn suy nghĩ làm sao để có những tiết học thu hút các em theo độ tuổi.
Một tiết học của cô Vũ Thị Ái Vân |
Cô Vũ Thị Ái Vân cho biết: “Với học sinh lớp 9, bình thường một lớp tôi dạy 50 bạn nhưng khi dạy online, rất cần sự tương tác với học sinh, vì thế tôi chia lớp thành 2, 3 nhóm để dạy. Mỗi nhóm từ 15 - 17 bạn thì sự tương tác sẽ khác so với cả 50 bạn.
Khi học, tôi giao bài, các con làm trong vòng 10 phút. Sau đó, học sinh chia sẻ bài mình làm trên nhóm, tôi chấm trực tiếp. Lúc chấm bài, học sinh đã làm rồi luôn chuẩn bị tờ giấy nhỏ để xem bạn nào có cách làm hay, khác mình phải ghi chép rồi dán vào bài học.
Trong quá trình dạy học, tôi thường lưu lại phần trình bày trên bảng và chuyển toàn bộ cho phụ huynh. Cha mẹ căn cứ vào đó để đối chiếu với bài của con và tích vào ô ghi bài đủ hay không. Con nào học gia sư, các anh chị gia sư sẽ căn cứ vào nội dung kiến thức của cô dạy để kèm học sinh cho sát".
Cô Vũ Thị Ái Vân, giáo viên trường THCS Gia Thuỵ, Long Biên, luôn có những bài giảng trực tuyến sinh động |
"Nhà bao việc"... là bạn nào? Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên trường Tiểu học Ngọc Hoà (huyện Chương Mỹ) kể: “Khi dạy học, một số phụ huynh nam mặc quần áo ở nhà, có khi cởi trần đi lại trước camera. Thấy con trả lời bé hoặc không trả lời khi cô gọi, phụ huynh đã quát con: “Có thế mà không trả lời được à?”; “Con làm gì mà cô gọi không trả lời?”… Cũng có một số học sinh bị hỏng camera, bố mẹ lại chưa cài tên đăng nhập cho con, nên khi muốn biết bạn đó tên gì tôi đành phải hỏi tên đăng nhập của bố mẹ như: "Sữa bò Yang Hồ", "Bằng lăng tím", "Nhà bao việc"... là bạn nào? |
Cô Vân cũng “bật mí”, để một tiết học online hiệu quả, quan trọng nhất là ý thức học sinh, cách dạy và quản lý lớp trên nhóm. Sau đó mới là việc, cô giáo truyền tải như thế nào để tạo hứng thú với học sinh.
“Sau một thời gian tìm hiểu, tôi đang dự định cài tương tác trực tuyến trên Powerpoint. Đây là phần mềm classpoint, khi dạy, các con có thể tương tác trực tiếp với cô trên lớp qua màn hình Powerpoint. Ứng dụng này thích hợp với học sinh lớp 6. Trong bài giảng với khối này, tôi sẽ thêm các hoạt động, trò chơi, màn hình câu hỏi… để buổi học nhẹ nhàng hơn. Thông qua phần mềm này, cô giáo có thể thống kê được bao nhiêu em trả lời đúng”, cô Vân chia sẻ.
Không để học sinh có thời gian… chán học
Nếu như ở ở khu vực thành phố, việc học trực tuyến được phụ huynh quan tâm, đồng hành và ủng hộ thì ở nông thôn, vấn đề dạy học online gặp khó khăn hơn nhiều. Theo đó, cơ sở vật chất ở khu vực nông thôn đều thiếu và yếu, nhiều phụ huynh vẫn xem nhẹ…
Một tiết học của cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên trường Tiểu học Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) |
Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên trường Tiểu học Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Ở ngoại thành rất khó khăn về cơ sở vật chất, phần lớn phụ huynh không thông thạo về công nghệ thông tin. Học sinh có nhiều trở ngại, không ít con phải sử dụng điện thoại; Có học sinh không có cả điện thoại và máy tính...
Trong các đợt học online của năm học 2019-2020, tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm để có những tiết học đem lại hiệu quả cao. Tôi đã dành nhiều thời gian để thiết kế những bài dạy Powerpoint ngắn gọn, cô đọng và sinh động, thể hiện qua kênh hình, kênh chữ, lồng ghép trò chơi, giúp học sinh “Học mà chơi, chơi mà học”… nhằm tránh những nhàm chán cho các con.
Trong hay sau mỗi giờ học, tôi còn xây dựng các bài tập qua các phần mềm ứng dụng Azota hay Google foom để hỗ trợ công tác giảng dạy, đặc biệt là quá trình giao bài tập và chấm bài tập cho học sinh”.
Để tạo không khí thoải mái khi học sinh phải ngồi bên máy tính hay điện thoại khá lâu thì đầu và giữa giờ học, cô và trò thường trải nghiệm thư giãn với vũ điệu 5K, vũ điệu rửa tay hoặc các bài hát, múa mà lứa tuổi các em quan tâm.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng có nhiều sáng tạo trong dạy học trực tuyến |
“Thông qua việc dạy online, có thể nói rằng công nghệ thông tin luôn là “công cuộc chạy đua” của mỗi giáo viên. Khi dạy các con có biết bao những kỉ niệm mà cô không thể nào quên. Những sự nhầm tưởng qua hình ảnh, những câu hỏi ngộ nghĩnh ngây ngô... đã cho cô và trò nhiều nụ cười, xua đi những khó khăn dịch bệnh mà đất nước đang gồng mình chống chọi.
Đến bây giờ tôi có thể khắng định, cô - trò sẵn sàng đón nhận học online nếu như dịch bệnh còn tiếp diễn”, cô giáo Nguyễn Thị Hằng nói.
Điều mà cô Trần Thị Hải, giáo viên môn Toán trường THCS Gia Thuỵ (quận Long Biên) nhớ nhất trong khi dạy online là những bức họa cảm xúc của học trò. “Sau mỗi buổi dạy của lớp học Zoom, cuối giờ học, các con thường hay vẽ một bức tranh. Lớp 9A7, có một học sinh rất khéo tay, vẽ đẹp. Sau khi kết thúc giờ học, bạn ấy khởi xướng ra một bức vẽ, chủ động vẽ nét đầu tiên, sau đó mỗi người thêm 1 nét vào bức vẽ đó. Bức vẽ không đẹp nhưng nó rất ấn tượng. Có em vẽ theo, có em ghi phía bên ngoài bức tranh: Con yêu cô và ghép thêm hình trái tim. Đó là những kỷ niệm thật đáng nhớ!”. |
(Còn nữa)